Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

lighting

Ánh sáng cơ bản ( Đèn PAR ).
Đèn PAR là chữ viết tắt của Parabollic Aluminum Reflector (chóa phản chiếu bằng nhôm hình paraboll). Loại đèn này xuất xứ đã lâu, có lẽ 1 trong những người sản xuất đầu tiên là Ronie Altman tại Altman Stage Lighting ở New York năm 1970. Và Bill McManus đã sử dụng 500 đèn PAR Altman tại Jetro Tull’s Passion Play tour vào cuối năm 1971 (theo James L. Moody trong cuốn Concert Lighting xuất bản năm 1998).
Loại đèn này (light fixture), là loại loại cơ bản không thể thiếu trong các buổi hòa nhạc (concert), còn trong nhà hát kịch (theatre) phải thêm các loại đèn khác như Leko, Fresnel v.v. Nó tạo thứ ánh sáng nền mượt mà, không bị tương phản, có thể dùng dimmer để tạo ra những khoảng sáng, tối mờ ảo. Reflect thì nó có chiều sâu, bóng của đối tượng. Cấu tạo rất đơn giản (dĩ nhiên là rẻ tiền nhất), gọn nhẹ, dễ di chuyển, thay bóng (lamp) dễ dàng, cho nên nó là loại đèn thông dụng nhất cho tới hiện nay. 


Hình trên đây minh họa tất cả các chủng loại đèn PAR, từ PAR 16 – 26 – 36 – 38 – 46 – 56 đến lớn nhất là PAR 64. Các loại PAR trước đây gắn bóng halogen 2 chân cắm với công suất từ 30 đến 1000W độ Kenvin khoảng 2.700 K. Hiện nay thường sử dụng loại tích hợp bóng và chóa phản chiếu bằng thủy tinh kết liền một khối, trong rút chân không nên bền hơn rất nhiều, ở VN gọi là bóng đúc. Nhưng có cái là khi đứt bóng phải thay cả khối, hơi bị tốn tiền. 
PAR-64 pha trung bình (medium flood) (M) là thông dụng nhất. Kế đến là loại luồng hẹp (narrow spot) (N) hay luồng rất hẹp (very narrow spot) (VNSP). Loại thứ tư là rộng (wide) (W) cũng được sử dụng. Tùy theo bối cảnh mà ta sử dụng cho thích hợp. Minh họa :

Ngoài ra PAR phải có một phụ kiện cần thiết là giấy lọc màu (color filter). Đèn PAR nào cũng có một cái rãnh để gắn những tờ giấy màu này. Color filter làm bằng chất liệu chịu nhiệt, không cháy, nếu quá nhiệt chịu đựng, nó chỉ nhăn lại nhưng không phát ra ngọn lửa, rất an toàn. Về sau phát minh ra Color change (Color call) là thiết bị gắn trên rãnh của đèn PAR nhưng có thể đổi được 16 màu căn bản bằng tín hiệu DMX 512. Điều này khi thiết kế sân khấu giảm được số luợng đèn PAR (nhưng lại thiếu cái gì để ngón tay cựa quậy …).

Fantasia thêm có thể lấy PAR 36 (pinspot) kết nối 4 hoặc 8 đèn như hình dưới đây, rất đẹp.

Thiết kế cho 1 sân khấu trung bình khoảng bao nhiêu đèn PAR là hiệu quả? Thiết kế “medium stage” của chuyên gia nước ngoài cho show diễn ngoài trời của ban nhạc Air Supply tại Hội Chợ Giảng Võ Hà Nội năm 1997 là 98 cái PAR 64. Ít quá hả? Tôi thấy đúng, vì sao? Con ngươi (đồng tử) của mắt người ta rất linh hoạt, khi gặp ánh sáng quá lớn nó sẽ tự động đóng lại, ngược lại khi tối quá nó lại mở ra. Cho nên chỉ cần ánh sáng trung bình từ 40 đến 60 Lux là được. Tôi làm show hội diễn 9 dòng sông Cửu long ở Sóc trăng năm 1998 chỉ với 24 PAR 64, đài truyền hình Cần thơ quay coi vẫn đẹp như thường. Làm sáng quá, chỉ tội những cây đèn kỹ xảo khác cũng phải tăng công suất lên theo, cộng lại rất hại cho mắt đấy các bạn. 
Có lần tôi hỏi Hữu Tài, trùm ánh sáng VN : “Cha làm gì mà chơi đến 400 cây PAR cho sân khấu nhỏ này vậy?” Thì được trả lời : “ Phải gắn nhiều đèn lên thì mới lấy được nhiều tiền chớ !” Bó tay chấm com luôn. VN luôn là như vậy !!!
Còn một điều nữa là khi sử dụng PAR, bạn phải có Dimmer. Thiết bị này giúp bạn có thể gia giảm ánh sáng từng đèn, từng loại màu được. Còn nữa, bạn để đèn tắt lâu, nguội hẳn, nhất là khi trời lạnh, khi bật đèn lên full 100% rất dễ bị nổ bóng đèn. Nguyên nhân là do khi nhiệt độ giảm, điện trở trong R của tim bóng đèn sẽ hạ thấp dẫn tới tăng công suất thực sự của bóng làm nổ bóng, có khi làm cháy Pack luôn. Trước khi sử dụng PAR, bạn hãy đẩy Dimmer lên một chút, giúp nung nóng tim đèn, khi chạy full không bị nổ. Trong những Pack công suất chuyên dùng cho PAR loại cao cấp đều có contact Pre-heat đưa vào tim đèn 1 hiệu điện thế nhưng với tần số cao (không làm sáng tim đèn) giúp bóng được bền như trên.