Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

NHỮNG LINH KIỆN (PART) DÙNG TRONG AMPLI ĐÈN RES

      Những linh kiện (part) dùng trong ampli đèn.
       Bài viết này sẽ đề cập tới những linh kiện bắt buộc phải có để lắp ráp ampli đèn Hi Fi. Không như những hãng sản xuất Hi-end đòi hỏi phải có những linh kiện cao cấp dùng những chất liệu không tưởng như vàng, bạc, bạch kim hay còn cả titan gì gì nữa. Bạn nên nhớ, chất lượng của sản phẩm tạo ra tùy thuộc vào linh kiện nào có chất lượng thấp nhất chứ không phải cao nhất (nguyên lý thùng gỗ đựng nước). Chỉ cần chọn linh kiện đúng chủng loại, đồng chất lượng, đúng trị số và không hư hỏng là được.
       Tụ điện (Capacitor) :
       -Tụ hóa lọc nguồn : thường khoảng vài trăm µF với điện thế 450VDC. Đôi khi, có những biến thế có điện thế cao trên 600V, phải nối tiếp 2 tụ với 2 điện trở làm cầu cân bằng điện thế. Trung bình, mỗi ampli cần khoảng 4 tầng lọc như vậy.
       Trong ampli đèn, tụ hóa thường tích hợp 2, 3 con trong 1 tụ để giảm thiểu sự choán chỗ.

 
 
       -Tụ liên lạc (signal capacitor): dẫn truyền tín hiệu AT từ tầng này qua tầng khác. Chủng loại này là tụ cuộn giấy trong dầu (foil paper in oil). Loại này cũng phải chịu điện thế rất cao, nên chọn loại tối thiểu 400VDC, cao hơn càng tốt. Điện dung tùy mạch điện, dao động từ 0.01 µF đến 0.47 µF. Tụ này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng AT nên phải tuyệt đối không bị rò rỉ. Hãng sản xuất thông dụng trước đây là Phillip, Mallory, National v.v còn bây giờ có rất nhiều hiệu sản xuất tụ chuyên dùng cho ampli đèn.
 
 
 
       Cách đo thử tụ xem còn tốt không rất đơn giản. Bạn áp hai cực của tụ vào điện nguồn DC của ampli đèn rồi lấy ra, đợi khoảng vài phút thì nối tắt 2 cực, nếu tụ còn tốt sẽ có tia lửa mạnh phát ra. Nếu không nối tắt thì đo điện thế với volt kế có nội trở cao (>10MΩ), nếu chỉ suy giảm dưới 20% so với điện thế nguồn là được.
       Điện trở (resistor) : Điện trở trong ampli đèn thường sử dụng loại cao cấp. Công suất nhỏ nhất là ½ watt cho đến vài watts. Chân ra phải thật cứng để có thể chịu dao động.
 
 
       Biến trở (Potentiometer) : Biến trở loại lớn, chính xác. Nên dùng loại A biến thiên theo tuyến tính (analog), không dùng loại B biến thiên theo log e. Tổng trở ampli đèn cao nên thông số biến trở sử dụng cũng cao, tư 100KΩ tới 1MΩ.
 

       Trạm nối dây (connector) : Ampli đèn ít khi sử dụng bảng mạch in. Tất cả các linh kiện đều gắn trên những trạm rồi dùng dây đồng nối lại với nhau. Đôi khi linh kiện còn gắn trực tiếp trên chân đèn, chân tụ hóa để giảm thiểu độ dài dây nối. Nếu chassis của bạn làm bằng nhôm, không hàn xuống mass được, phải có thêm nhiều trạm mass.
 
 
 
       Phần cuối cùng là vỏ máy (chassis), chất liệu là nhôm, sắt thế nào cũng được nhưng phải cứng cáp vì phải đục nhiều lỗ lớn trên nó. Mẫu mã, kích thước thì tùy bạn tính toán. Đôi khi ở chỗ bán ve chai, đồng nát bạn cũng có thể tìm được chassis của một thiết bị điện, điện tử nào đó có thể dùng làm ampli đèn rất tuyệt vời. Bạn làm chỉ 1 bộ thôi thì cứ như vậy, trừ khi có ý định sản xuất hàng loạt thì không kể.
 
 
 
       Đến đây, qua những bài viết, bạn đã có những khái niệm về những thiết bị, linh kiện để làm 1 ampli đèn HiFi. Trong những bài sắp tới, sẽ sang phần thực hành ráp một ampli thông dụng và hiệu quả, bạn sẽ thấy rất dễ thực hiện. Nếu bạn ở Sài Gòn, tôi sẽ hướng dẫn những chỗ mua linh kiện, quấn biến áp chất lượng và giá cả cực kỳ phải chăng. Nào cùng nhào dzô làm một ampli đèn cho riêng mình nhé.