Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Bộ dàn của những thiết bị "đỉnh"


HFVN - Chơi hi-end nhất thiết phải có nhiều tiền nhưng nếu có nhiều tiền chưa hẳn bạn đã set-up được một bộ dàn ứng ý mà đòi hỏi chủ nhân phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi và phối ghép để đạt hiệu quả tối ưu, đó là cái hay cái hấp dẫn của thú chơi âm thanh tao nhã này. Anh Phong, người đã từng sở hữu những thiết bị hi-end rất đắt, nhưng chỉ khi tìm được những sản phẩm được xem là đỉnh cao của thế giới âm thanh thì cái sự chơi cũng như đòi hỏi âm thanh của anh mới được đáp ứng.



Con đường đến với thế giới âm thanh đỉnh cao
Là người nặng lòng với âm nhạc, anh Phong luôn mong muốn sở hữu được một bộ dàn đúng với sở thích của mình, có khả năng tái tạo âm thanh trung thực. Ngay từ bé, vào những năm 60, anh đã có điều kiện thưởng thức âm thanh chuẩn từ những chiếc radio cao cấp nhất lúc bấy giờ, anh còn nhớ rõ chúng đa phần là những sản phẩm dùng đèn điện tử. Bố anh, cũng là người đam mê nhạc, cụ rất thích sưu tầm những chiếc “đài” có chất âm hay.
Khi còn trẻ, lúc nào trong tâm trí anh cũng mong mỏi có thể “sắm” được một bộ dàn âm thanh đẳng cấp để có thể trình diễn tốt những bản nhạc yêu thích của mình. Mãi cho đến sau này, khi điều kiện kinh tế cho phép, anh mới bắt đầu tự thỏa mãn cái thú chơi của mình.

Không như sản phẩm khác, thiết bị âm thanh ở Việt Nam chưa được kinh doanh một cách chuyên nghiệp, nếu như ở Singapore bạn có thể dễ dàng vào trung tâm Aldephi, nơi tập trung hàng trăm thương hiệu âm thanh nổi tiếng, để tham khảo, so sánh và phối ghép nhiều thiết bị, thì ở ta, các của hàng audio còn rất ít, nằm rải rác, thiếu tính tập trung, mức độ tư vấn của các của hàng cũng còn hạn chế, chính vì thế dẫn đến việc khách hàng rất khó có thể tìm được cho mình một phối ghép đúng như yêu cầu và sở thích âm thanh.
Lúc mới bắt đầu, anh Phong tìm đến một những của hàng audio, tham khảo qua một số thương hiệu và đầu tư khá mạnh tay cho những bộ dàn đầu tiên. Với gu nhạc mạnh Pop/Rock anh được tư vấn những sản phẩm thuộc hạng đầu bảng gồm những mẫu loa của B&W như: 801D, 800D cùng những bộ ampli cao cấp như Pass Lab X1000.5.... Nhưng có thể nói, anh sở hữu một đôi tai quá khó tính mà chính anh cũng không nhận ra, nhưng thiết bị mà audiophile luôn ao ước vẫn không thể làm anh hài lòng, có lúc tưởng chừng như anh phải bỏ cuộc chơi vì đã đầu tư quá nhiều tiền mà vẫn chưa tìm được thứ âm thanh đúng với ý mình.
Vào một lần đến với cửa hàng audio Sơn Hà Audio, anh tình cờ quen được anh P, người đang sở hữu một trong những bộ dàn nổi tiếng ở Sai Gòn, từ đó anh được anh P giới thiệu đến nghe những hệ thống   của các audiophile có tiếng như: như anh C, người sở hữu hệ thống nhiều đường tiếng phức tạp; anh L, nổi tiếng với phối ghép toàn đồ châu Âu được xem là một trong những hệ thống được đánh giá rất hiệu quả; anh D, với những bộ dàn khủng Cello; anh Đ, sở hữu hệ thống loa đầu bảng của Avatngarde và rất nhiều  audiophile khác .... Anh thật sự bất ngờ với những phối ghép này, bởi đây chính là những gì anh cần tìm, những chuẩn mực âm thanh luôn ám ảnh trong đầu của anh. Anh nhớ lại cái lần đầu tiên đến nghe bộ dàn của anh P, hệ thống loa JM Lab Utopia cùng với Lamm Industies đã làm cho anh thờ người ra. “Bộ dàn hay lạ kỳ, tôi không thể tưởng tượng được một hệ thống âm thanh có thể tái hiện quá thực, không chỉ đáp ứng về tính chi tiết của nhạc cụ, sự trung thực của giọng ca mà còn dựng lên được cả một sân khấu trình diễn có cả độ dầy, độ mở, độ sau và vị trí của ca sĩ, nhạc cụ”.
Tư khi thưởng thức bộ dàn của P và những hệ thống đỉnh khác, anh lại ngộ ra một điều, mình không thích “Pop/rock”, cái mình thức chính là sự trung thực của âm thanh.

Bộ dàn của những “đỉnh”Sau khoảng thời gian đi nghe nhiều, anh Phong trở lại với hệ thống của mình và quyết định thay đổi. Đầu tiên là hệ thống loa được chuyển từ B&W 800D sang đôi loa đầu bảng của JmLab, Grand Utopia Be (không tính đến sự xuất hiện mới đây của dòng Utopia EM), đây cũng chính là đôi loa  JM Lab   cao cấp nhất tại Việt Nam. JM Lab Grand Utopia Be đứng sừng sững gần 1,8m, đây là thiết kế loa 4 đường tiếng gồm một loa bass 15in, loa midbass 11in, hai loa con mid 6,5in và loa treble dùng màng berrylium cho dải tần hoàn hảo từ 20 đến 40kHz. Một trong điểm đáng chú ý của Grand Utopia Be, chính là việc các khối loa được thiết kế tinh vi và mỗi loa con được đặt trong một ngăn riêng, tránh gây nhiễu âm lẫn nhau. Cũng như hầu hết audiophile, anh Phong thích chất âm êm ấm của ampli đèn lẫn sự mạnh mẽ, dứt khoát của sò, bài toán về hệ thống khuếch đại choa Grand Utopia Be được giải bằng một hệ thống khuếch đại tiêu biểu của Úc Châu và là bộ sản phẩm đầu bảng của Halcro gồm preamp DM10 và poweramp DM88. Ưu điểm của dòng đầu bảng với thiết kế sản phẩm hình chữa H của Halcro rất nổi tiếng là khả năng thuần phục nhựng đôi loa lớn, đặc biệt cho chất âm mạnh mẽ của bán dẫn nhưng vẫn đậm chất đèn. Bộ Halcro DM10/88 từng được các chyên gia trên thế giới dùng phối ghép với những đôi loa khủng như: Wilson Audio Alexandria X-2, Von Schweikert VR8, Dynaudio , EgglestonWorks Ivy Reference.... và đương nhiên là cả Grand Utopia Be.
Hệ thống nguồn âm cũng được anh chuyển sang dùng sản phẩm của MBL với bộ cơ-D/A hàng tham chiếu 1621 và 1611. Theo chân những hệ thống lớn và rất cảm tình với độ trung thực, tư nhiên của đĩa than, anh cũng quyết định đầu tư sản phẩm đầu turntable tham chiếu đỉnh nhất của VPI Industries, model HRX, đây cũng là đầu đĩa than được trao hàng loạt các giải thưởng danh giá. VPI HRX có cấu trúc phần đế rất đặc biệt theo dạng báp kẹp sandwich ba lớp Acrylic-nhôm-Acrylic cho phép chống rung rất hiệu quả, phần truyền động dùng đến 2 motor cho chất lượng dòng quay rất ổn định.
Về hệ thống dây dẫn và xử lý nguồn điện đầu vào, anh Phong đầu tư khá hoàn chỉnh từ các sản phẩm lọc nhiễu cũng như biến thế cách ly của IsocleanPower, Nordost Thord... cho đến những cáp dây đỉnh  như Nordost Vahalla, Purist Audio Anniversary, Shunyata Cobra CX....

Một hệ thống trình diễn chất âm hiện đại, đẳng cấp!Sau khoảng thời gian dành cho việc chụp ảnh và trao đổi về thú chơi hi-end tôi được anh Phong ưu ái  mời vào chiếc ghế da được bố trí ngay vị trí điểm ngọt. Sẵn có album quen thuộc One Voice trên bàn, tôi chộp ngay, bài số 4 Once Voice With One More To Go, do Lorrie Morgan thể hiện được bật lên. Đây là track nhạc mà hầu như ai đã từng chơi hi-end đều biết đến, riêng tôi, album Oympic Alanta 1996 này luôn nằm trong khay đĩa test máy hơn 10 năm nay. Không những thuộc từng nốt của track 4 này, tôi còn nghe rất nhiều cách thể hiện khác nhau, từ các bộ dàn vài nghìn cho đến vài trăm nghìn. Cảm giác đầu tiên khi nghe bộ dàn của anh Phong trình diễn được gói gọn lại ở 2 từ: dynamic và hoành tráng. Nó không rỉ rã, lê thê như khi nghe với các bộ đèn, hay quá sáng, và thiếu độ ấm ở những dàn có chất thuần bán dẫn, bộ dàn trình diễn một cách trung thực, đúng mực như khi nghe live. Đây cũng là những đặc tính mà chỉ có những hệ thống lớn mới thể hiện được.
Bộ phối ghép đạt độ chi tiết cực tốt, được nghe tiếp những đĩa CD của Stockfish với những giọng ca như David Munyon, David Roth... tiếng đàn guitar ngoài việc được thể hiện sắc nét còn biểu cảm được độ động cực tốt, lúc cần chậm và êm hay khi cần nhanh và bốc, hệ thống đều chơi một cách chính xác.
Chúng ta cũng không cần phải bàn đến âm hình hay độ cân bằng bởi không có yếu điểm nào xuất hiện ở bộ dàn đẳng cấp này. Điểm làm cho người ta nhớ đến phối ghép của anh Phong chính là sự kết hợp tốt giữa khả năng biểu đạt tình cảm và độ động của âm thanh. Ta có thể xếp bộ dàn này vào gu chơi hi-end hiện đại. Gu hi-end hiện đại hiện đang là chuẩn mực của các phối ghép tại các kỳ triển lãm âm thanh thế giới trong những năm gần đây. Xu hướng hi-end hiện đại không bóp méo độ động, không tạo nên những âm mid quá ngọt ngào, những giai điệu có vẻ quá du dương, nó chỉ trình diễn trung thực,  mà một trong những yếu tố quan trọng của sự trung thực chính là độ động và tính chính xác của các dải.
Vừa nghe vừa đàm đạo về các thiết bị âm thanh, tôi và anh Phong cứ nghe lần lượt nghe hết CD này đến CD khác, mà quên đi sự xuất hiện của VPI HRX. Quay lại thiết kế HRX, đây là lần thứ 2 tôi có dịp nghe đầu đĩa than ngoại hạng này. Chính nhờ cơ chế chống rung và hệ thống truyền động được thiết kế đăc biệt mà những dòng chảy analog được tuôn trào rất tư nhiên, tạo được khoảng cách rõ đối vối chất âm digial.

Khi được hỏi, liệu hệ thống như vậy có là điểm dừng của anh, anh Phong trả lời ngay: “Chắc chắn là chưa, tôi vẫn chưa thật sự hài lòng đối với bộ dàn, nhưng đây tạm coi là bước khởi đầu thành công, tôi sẽ quan tâm và tìm hiểu hơn nữa về dây dẫn, điện, cũng như tìm hiểu các phối ghép tối ưu hơn. Hi-end như biển trời, có hàng tỉ thứ hay mà bạn chưa phát hiện....”.