Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Ngành kỹ thuật âm thanh loay hoay tìm lối đi

Âm thanh có vai trò rất đặc biệt trong quá trình truyền tải cảm xúc của con người. Tuy nhiên âm thanh chỉ đơn giản là những sóng cơ học nếu người điều phối  không biết thổi “linh hồn” vào bên trong nó.
Ngành kỹ thuật âm thành loay hoay tìm lối đi
Khi âm thanh lên tiếng
Âm thanh được con người khai thác tối đa chiều sâu ẩn bên trong lớp vỏ cơ học bên ngoài nhằm mục đích chuyển tải những thông điệp không lời của cảm xúc. Điều này có nghĩa là chỗ đứng của âm thanh vô cùng quan trọng trong mọi hình thái nghệ thuật mà con người đang từng bước chinh phục như điện ảnh, truyền hình, sân khấu, âm nhạc…
Âm thanh sinh ra để tác động vào thính giác của con người, để chúng ta lắng nghe và thấu hiểu bằng những rung động tinh tế nhất của tâm hồn. Nhưng người nghe sẽ cảm nhận được bao nhiêu phần trăm tỉ lệ chiều sâu bên trong của âm thanh? Câu trả lời là 30% và con số đó đã khiến không ít những người thiết kế âm thanh phải suy nghĩ và tìm hướng đi mới cho nghề nghiệp của mình.
Những bất cập trong khâu thiết kế âm thanh ở nước ta
Mỗi người thiết kế âm thanh được mệnh danh là một nhà nghệ sĩ kì tài trong việc hướng khán giả tập trung vào những cảm xúc tinh tế. Tuy nhiên một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là Việt Nam đang thiếu những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực âm thanh, từ việc viết một kịch bản âm thanh cho đến việc xử lý âm thanh, cập nhật và sử dụng các trang thiết bị thu âm hiện đại. Điều này dẫn đến những lỗ hổng đáng tiếc trong khâu dàn dựng âm thanh cho sân khấu, sân chơi âm nhạc, đặc biệt là thiết kế âm thanh trong phim ảnh.
Chúng ta thử so sánh phần âm thanh trong phim Việt với những bộ phim mang đẳng cấp quốc tế thì sẽ thấy được sự chênh lệch rất lớn trong ngành kỹ thuật âm thanh của ta và các nước bạn. Bộ phim WALL-E của hãng Pixar sử dụng 2600 loại âm thanh, theo đó các lời đối thoại trong phim đã được thay thế khéo léo bằng âm thanh, từ tiếng vặn mình đơn giản đến các âm thanh đặc trưng của môi trường xung quanh.
Trường Đại học Hoa Sen đang tuyển sinh Chương trình đào tạo Kỹ thuật Âm thanh (liên kết với Trung tâm đào tạo chuyên ngành nghe nhìn CIFAP – Cộng hòa Pháp), hạn chót đăng ký đến hết 09/01/2009.
Hay đến với bộ phim “Dạ yến” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương thì chúng ta sẽ được thưởng thức sự đan xen, chồng chéo lên nhau của nhạc nền rock 'n roll, opera, nhạc ballet và cả nhạc kịch Trung Quốc nhằm thể hiện tối đa những xung đột nội tâm và ước mơ bản ngã của nhân vật.
Nhưng phim Việt của chúng ta thì lại thiếu hẳn sự đầu tư về mặt kỹ thuật âm thanh, khiến cho nhân vật trong phim thiếu chiều sâu cảm xúc, phần thoại và lời chưa ăn khớp, phải mang ra nước ngoài làm hậu kỳ hay cần đến bàn tay “phù phép” của các chuyên gia nước ngoài để âm thanh gần gũi với thực tế hơn, nhạc phim sơ sài và không thu hút được khán giả…
Chúng ta đã và đang sở hữu những máy móc, thiết bị âm thanh với công nghệ hiện đại có thể sánh ngang cùng các nước tiên tiến trên Thế giới. Tuy nhiên chúng ta lại thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế âm thanh, đó là một bài toán hóc búa mà giới nghệ sĩ âm thanh đang loay hoay tìm lời giải. Và vấn đề được đặt ra ở đây là khâu đào tạo nguồn nhân lực mới cho ngành kỹ thuật âm thanh. Cần phải có một sự đầu tư lâu dài đối với đội ngũ này để họ có thể biến khả năng thẩm thấu của từng cá nhân trước những âm thanh riêng lẻ trở thành tiếng vang sâu lắng của nghệ thuật.
MINH HẢI