Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Tin Tức Audio


“Vua” loa Việt - Báo VOVNEWS.VN
2011-02-15 12:45:30
(VOV) - Loa tranh - sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam, ra đời sau 7 năm nghiên cứu của nghệ nhân “Sơn Loa” đã thực sự gây bất ngờ đối với giới Hi-End và người yêu nhạc.

“Vua” Loa Việt

Sơn Loa (phải) là người tiên phong phát minh ra dòng loa tranh với chiều dày chỉ 10cm
(VOV) - Loa tranh - sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam, ra đời sau 7 năm nghiên cứu của nghệ nhân “Sơn Loa” đã thực sự gây bất ngờ đối với giới Hi-End và người yêu nhạc.


Dù có không ít lời mời “đầu quân” cho những tập đoàn, những hãng loa nổi tiếng của nước ngoài nhưng anh đã từ chối để nung nấu niềm đam mê xây dựng thương hiệu Loa Việt. Anh là Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ART AUDIO, người vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân chế tác Loa. Còn giới Hi-End gọi anh là “Vua loa” hay “gã phù thủy âm thanh”.
Khát khao thương hiệu loa Việt
Trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một sản phẩm loa tranh độc bản, in hình trống đồng mang tên Hồn Việt với 100 bức ảnh Hà Nội xưa và nay được trưng bày tại Hà Nội. Đây là loa tranh có kích thước lớn nhất từ trước đến nay (2mx2m). Bức loa tranh này được nghệ nhân “Sơn Loa” dốc tâm huyết làm cả tháng trời, với kinh phí hơn chục ngàn đôla. Sản phẩm tâm huyết và rất có giá trị này được anh đem bán đấu giá để làm từ thiện. Tò mò với sản phẩm độc đáo này, trong chuyến vào TP.HCM, tôi đã quyết định ghé thăm showroom của “Sơn Loa”.
Mặc dù không hẹn trước, nhưng thật may mắn, tôi gặp “Sơn Loa” đang say sưa giới thiệu cho khách hàng những sản phẩm độc đáo của mình. Bước chân vào cửa hàng, lập tức tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của những bức tranh với đủ kích cỡ, màu sắc và ngạc nhiên hơn nữa là chất lượng âm thanh của loa tranh “2 trong 1” này chẳng kém gì những sản phẩm loa của nước ngoài.
Khởi nguồn từ đam mê âm thanh, “Sơn Loa” đã trở thành một chuyên gia nghe và đo âm lượng cho các thiết bị nhạc. Anh kể: “Tình cờ trong một lần đi thẩm định âm thanh, nằm trong phòng thư giãn, nghe nhạc, nhìn những bức tranh treo trên tường, tự nhiên trong đầu tôi lóe lên ước ao, phải chi trong tranh có nhạc thì hay biết mấy. Cũng chính lúc đó, tôi đã nảy ra ý nghĩ phải làm cho được “bức tranh biết hát”. Khi đó bạn bè ai cũng bảo tôi “khùng” vì thời đó tôi kinh doanh loa thùng rất tốt, mỗi ngày bán được mấy chục chiếc. Thế nhưng, tôi lại bỏ hết để bắt tay vào nghiên cứu loa tranh”.
 Ý tưởng là vậy nhưng khi triển khai thực hiện thì vô cùng gian nan. Anh lại bắt đầu mày mò nghiên cứu từ những chiếc loa đời cũ, rồi tự mua linh kiện, tự làm thử. Anh đốt không biết bao thời gian, công sức và tiền của để nghiên cứu từng chi tiết nhỏ. Suốt mấy năm ròng nghiên cứu, tìm kiếm, cuối cùng anh phát hiện chỉ có sợi tổng hợp mới có thể vừa vẽ vừa in mà âm thanh không bị thay đổi. Không chỉ khó khăn ở phần nguyên liệu mà loa tranh còn độc đáo bởi các chi tiết hầu hết phải làm bằng tay. Sau 7 năm nghiên cứu, đến năm 2007, loa tranh chính thức xuất hiện trên thị trường khiến cho giới chơi Hi-End thực sự bất ngờ. Tạp chí Nghe Nhìn đã cấp chứng nhận đây là loa tranh đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, những bức tranh biết hát này đã thực sự chinh phục được nhiều khách hàng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Khách có thể đặt các sản phẩm loa mang đậm dấu ấn cá nhân như ảnh gia đình hoặc các tác phẩm nghệ thuật yêu thích của mình. “Loa tranh cũng phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự vì người ta nhìn trước, nghe sau. Tuy nhiên, muốn xây dựng thương hiệu thì loa tranh đó phải có âm thanh hay” - anh chia sẻ.
Phù thủy âm thanh
Có lẽ ở Việt Nam, không người nào có kiểu bán “khác người” như “Sơn Loa” vì anh sẵn sàng cho khách mang loa về nhà nghe thử đến cả tháng trời, nếu không hài lòng thì có thể trả lại. Nhưng kết quả là dù khách hàng có khó tính đến mấy thì cũng không ai trả lại loa tranh. Tiêu chí hàng đầu trong kinh doanh cũng như cuộc sống của “Sơn Loa” là chữ Tín. Không ít lần, anh sẵn sàng bỏ cả container linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài về vì kiểm tra không đạt yêu cầu.
Nói về kiểu bán hàng có vẻ mạo hiểm này, anh cười: “Thực ra mình học từ phong cách bán hàng của Mỹ thôi. Điều này để khẳng định với khách hàng là chất lượng sản phẩm của mình thực sự tốt. Mỗi sản phẩm loa tranh thường được bảo hành 3 năm. Mặc dù có hàng chục nhân viên nhưng hằng ngày anh vẫn ra cửa hàng để nắm bắt nhu cầu của khách, thậm chí đến tận nhà khách hàng để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của họ để tư vấn cho họ chọn sản phẩm phù hợp nhất”. Một khách hàng từ Vũng Tàu đến showroom của anh tỏ vẻ rất thích thú, ông cho biết: “Nhà tôi đã có 2 loa tranh treo trong phòng ngủ. Loa tranh không những nghe rất hay mà còn nhìn rất đẹp. Vì thế, hôm nay tôi mua thêm để treo ngoài phòng khách”.
Không bằng lòng với những gì mình đã làm được, trong anh luôn cháy bỏng mong muốn xây dựng một thương hiệu lớn, ổn định. Năm 2006, anh đã mời một đối tác cùng hợp tác, bỏ vốn xây dựng xưởng loa, thế nhưng do quá tin tưởng vào đối tác nên anh đã bị lừa trắng tay. Tưởng lần vấp ngã lớn đó đã khiến anh nản, nhưng trái lại, nó khiến anh sôi sục quyết tâm theo đuổi con đường của mình. Anh chia sẻ: “Cho dù có trắng tay nhưng chỉ cần còn chữ tín và đam mê với nghề thì trước sau gì cũng sẽ thành công”. Sau lần đó, anh lại vay vốn để tiếp tục khởi nghiệp, thành lập một doanh nghiệp chuyên chế tạo loa Hi-End, Công ty cổ phần ART AUDIO. Mỗi tháng, công ty xuất xưởng từ 270-350 sản phẩm.
“Đức năng thắng số”
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt trong kinh doanh mà trong cuộc sống, anh còn là một người hết sức khiêm tốn, giàu lòng trắc ẩn. Điều khiến anh tâm niệm là triết lý “đức năng thắng số”. Anh bộc bạch: “Ngay từ những ngày đầu vào nghề, tôi đã mong muốn được giúp người khó khăn, người già neo đơn để họ có được sự ấm áp những ngày cuối đời. Đến nay khi đã thực hiện được hoài bão lớn nhất của đời mình, tôi muốn được góp sức vào các hoạt động xã hội. Mới đây, tôi xuống một ngôi chùa ở Vĩnh Long để khảo sát lắp đặt loa tranh tặng chùa”.
Khi hỏi về bí quyết thành công trong kinh doanh, anh cười nói: “Muốn làm giàu rất dễ, lại rẻ, chỉ cần đọc hết quyển Đắc nhân tâm. Chỉ cần chịu khó học hỏi nghiêm túc và giữ chữ tín trong kinh doanh, trong cả đối nhân xử thế là có cơ hội chạm đến thành công”. Đứng ở góc độ một nghệ nhân, chữ Tâm được anh coi là quan trọng nhất: “Người có tâm, vì tâm mà làm, vì tâm mà cống hiến ắt thành công. Người không có tâm sẽ dùng nghề trục lợi thì cũng khó trụ được với nghề. Chính nghề mình theo đuổi lại đào thải mình”. Quan niệm của anh là: Trước khi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thì hãy xây dựng Nhân hiệu. “Muốn đến được nơi đất mật nắng vàng phải trải lòng trăm trận gió mưa sa” - anh tâm sự.
Với sự nhiệt huyết, đam mê, “gã phù thủy âm thanh” luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo. Anh dự định, thời gian tới, song song với phát triển dòng loa tranh, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu dòng loa cao cấp “made in Việt Nam”./.
Thu Na (Báo TNVN)