Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Chơi hi-end ở Hà Nội

Sự kiện ra đời phòng trưng bày và bán hàng hi-end mang tên Hi-End Heaven tại Hà Nội của một hãng danh tiếng từ Anh được "dân chơi" Hà Thành đón nhận như một tín hiệu mới trong cuộc chơi âm thanh ngày một nhộn nhịp ở đây.
Choi hi end o Ha NoiBa năm trước, lần đầu tiên anh Vũ được làm quen với thiết bị hi-end khi được một tay chơi ở phố Bà Triệu khoe một bộ loa giá gần 5.000 USD đồng thời giới thiệu những lý thuyết "nhập môn" của trò chơi tốn kém này. Thế rồi anh cũng không ngờ mình bị nghiện và bắt đầu công cuộc săn lùng.
Nhưng chơi hi-end những năm trước đây vẫn là chuyện xa vời với người Hà Nội, có chăng chỉ là chơi ngẫu hứng, cho nên cách duy nhất là đi "tầm" đồ đã qua sử dụng (second hand) về ráp thử.
Không có nhiều tiền, anh Vũ chọn cách "thử nghiệm" trên những bộ chỉ trên dưới 1.000 USD. Sau đó anh giới thiệu cho bạn bè, những người cùng sở thích, xong thì bán đi bán lại cho nhau.
Thấy có triển vọng, Vũ cùng một số người khác bắt đầu bắt tay vào kết hợp chơi với kinh doanh. Thấy cũng sống được nên anh bắt đầu nhập cuộc mà địa chỉ đầu tiên họ đến là Hải Phòng, nơi mà hàng điện tử thượng vàng hạ cám được bày bán rất nhiều.
Một người bạn của Vũ, anh Nguyễn Trí Dũng, hiện được giới buôn hàng điện tử ở Hải Phòng xem như cao thủ trong ngành này vì Dũng biết cách mua và cũng biết cách bán.
Cao thủ và bài bản hơn nữa, một tay chơi ở phố Hàng Chuối hiện đang xúc tiến xây dựng một cửa hàng chuyên doanh hàng hi-end second hand ở phố Hàng Chuối để người mua có thể đến chọn trực tiếp thay vì đặt mua theo từng bộ lẻ và "đánh" hàng lẻ từ Hải Phòng về như trước.
Thế rồi, những sự kiện đại loại như "Triển lãm hàng hi-end Pháp" do công ty TNHH thương mại Nghệ Thính tổ chức ở Hà Nội năm trước cũng bắt đầu thu hút người chơi.
Phố Hai Bà Trưng, nơi vẫn bán hàng điện tử thông dụng cũng bắt đầu có thêm dăm bảy cửa hiệu bày bán những bộ loa, đầu đĩa đắt tiền.
Anh Trí Dũng nói rằng, ở Hà Nội có nhiều người mê âm thanh lắm, nhưng gọi là thực sự chơi thì cũng chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay.
Cách chơi của số đông vẫn là tự ráp bằng các nguồn trang thiết bị giá cả phải chăng và nhiều người trong số đó vẫn chơi theo cách kết hợp "chơi" và kinh doanh.
Choi hi end o Ha NoiMột câu lạc bộ những người chơi hi-end ở Hà Nội cũng đã được khai sinh và nhiều thành viên cũng đang đi theo xu hướng này. Hơn nữa, đối với nhiều người, việc sắm bộ hi-end đắt tiền không phải là quan trọng. Sự sành điệu được thể hiện ở trình độ kết hợp thiết bị để ra được âm thanh "ngon" nhất hoặc theo đúng gu của mình hơn là để khoe cái sự giàu.
Đối với người bình thường, đến hi-end một lần thôi là mê. Mê không chỉ vì cách bài trí các phòng trưng bày sản phẩm, chất lượng âm thanh mà còn vì... giá.
Anh Tiến Dũng, phụ trách kinh doanh tại phòng trưng bày này giới thiệu về hàng hi-end đồng bộ của hãng Linn: Ở đây bộ "quê" nhất được trưng bày có giá tương đương 3.700 USD, còn bộ đắt nhất tương đương 117.000 USD. Còn hàng đặt thì vô kể, nhiều khi lên đến cả triệu USD. Nói cho vui, bán một bộ hi-end cỡ thường thường bậc trung của hãng này đã có thể mua bốn năm chiếc xe hơi cũng thường thường bậc trung để mà dắt díu cả nhà đi bát phố.
Theo SGTT, phòng trưng bày của hãng Linn được bài trí như một biệt thự với các phòng nghe hòa nhạc chuyên dụng, phòng chiếu phim chuyên dụng và phòng chiếu phim gia đình. Không như cách chơi của những dân chơi bình thường, nếu đã chơi hàng của Linn thì phải chơi đồng bộ mới đã. Điều này có vẻ giảm tính chất "chơi" xuống và tăng tính chất "sở hữu" lên một chút.
Theo giải thích của anh Dũng, đã gọi là "chơi" thì có nhiều phong cách, nhưng với một số người thì hi-end là phải từ A đến Z. Nghĩa là từ đầu đĩa, sợi dây cho đến cái đĩa nhạc cũng phải cùng một xuất xứ. Có người chơi hi-end theo cách đặt hàng, nghĩa là bộ của mình sẽ không giống của ai cả, được làm theo những thông số riêng, theo một bản thiết kế riêng. Một đặc điểm khác là Linn cũng như nhiều hãng châu Âu khác luôn đặt mục tiêu hướng tới sự đơn giản trong từng chi tiết, không cần phải hầm hố, đồ sộ như hàng Nhật hay một số nước châu Á khác. Nhưng nếu nói chuyện điện đóm thì cũng khiếp lắm đấy vì có món, hàng châu Âu xài điện tốn gấp 5 lần hàng Nhật cùng loại.