Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

CẢNH GIÁC HÀNG ĐIỆN TỬ NHÁI, GIẢ TRÀN LAN THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY

Hàng điện tử bị làm giả, làm nhái thường là những sản phẩm mà chính hãng đã ngưng sản xuất nhưng còn đang “hút khách” hoặc những sản phẩm có thương hiệu uy tín đang được ưa chuộng. Mặt hàng được làm giả nhiều nhất là loa Bose dòng 301 số IV và V..., hoặc những chiếc tivi có bóng đèn hình là àng “nghĩa địa” nhái thương hiệu của các hãng Sony, Samsung...
Hàng giả “lên ngôi”
Thượng tá TRẦN VĂN MẬU (phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.HCM):
Sẽ kiểm tra, xử lý
Đối với các cơ sở, đối tượng tổ chức sản xuất hàng giả, hàng nhái, nếu tổng trị giá lô hàng trên 30 triệu đồng, chúng tôi sẽ thu thập đủ chứng cứ, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý hình sự. Đến nay, phòng vẫn chưa phát hiện, xử lý vụ nào liên quan đến sản xuất hàng điện tử giả, nhái. Vì các cơ sở, đối tượng sản xuất hàng điện tử giả, nhái rất tinh vi và có nhiều thủ đoạn sẵn sàng đối phó lực lượng thanh tra, kiểm tra chức năng.
Thủ đoạn thường gặp là các đối tượng này sử dụng đề can, nhãn nhựa dán vào sản phẩm để giả, nhái thương hiệu khác, nếu bị phát hiện hoặc kiểm tra, chỉ trong thời gian ngắn họ có thể “lột sạch” tang chứng thoát tội. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xác minh lại thông tin sản xuất hàng điện tử giả, nhái tràn lan. Khi có đầy đủ chứng cứ và bằng chứng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử nhái hàng xịn hằng ngày công khai lắp ráp hàng giả ngay tại khu vực chợ điện tử Nhật Tảo, Q.10. TP.HCM. Điển hình là cơ sở CC trên đường Nguyễn Kim, chuyên làm giả các dòng loa cao cấp của Mỹ như JBL, Peavey... có công suất đến vài ngàn watt.
Đây cũng là đầu mối sản xuất hàng nhái quy mô lớn chuyên cung cấp hàng điện tử cho các đại lý bán sỉ, lẻ trong TP và cả nước.
Cơ sở CC có gần chục thợ lành nghề chuyên lắp ráp đủ loại sản phẩm điện tử nhưng chủ yếu là các loại loa nghe nhạc. Từng nhóm thợ chia thành từng khâu lắp ráp theo công đoạn. Hầu hết các thùng loa lớn đều được đóng tại cơ sở, vật liệu chủ yếu là ván ép, sau khi phơi khô và dán một lớp nỉ là khâu lắp ráp thêm các linh kiện điện tử để hoàn thành sản phẩm.
Cơ sở này luôn có sẵn mẫu sản phẩm loa làm giả các hãng JBL, Peavey để khách lựa chọn. Đặc biệt, sau khi lắp ráp, ban đầu loa chỉ là sản phẩm trống trơn không dán nhãn mác, nơi sản xuất... nhưng khi khách hàng yêu cầu, cơ sở này sẽ dán bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào theo ý khách ngoài hai nhãn hiệu thường được nhái nói trên.
Một số mẫu loa của JBL có kích cỡ 4-6 tấc, công suất dao động đến vài trăm watt tại cơ sở CC bán với giá khá mềm, chỉ từ 7-10 triệu đồng/cặp so với hàng chính hãng, có giá vài chục triệu đồng/cặp.
Ông Thành, thợ lắp ráp của cơ sở, khoe các mẫu loa này bán rất chạy, đạt chất lượng âm thanh 7/10 so với hàng “xịn”, mắt thường không thể phát hiện đây là hàng nhái.
Cũng tại khu vực chợ Nhật Tảo, các loại loa “xịn” thuộc dạng hàng “nghĩa địa”, hàng “bãi” (hàng đã sử dụng tại Mỹ, Nhật nhập về) nhưng “ruột gan phèo phổi” đã bị thay thế bằng linh kiện Trung Quốc đều được bán cho khách với giá hàng “xịn”.
Tại cửa hàng M, đường Nguyễn Kim, bà chủ tiệm khẳng định: “Cặp loa Peavey 4 tấc là hàng “bãi” chính gốc, giá 11 triệu đồng/cặp”. Nhìn bề ngoài, cặp loa này chẳng khác nào hàng thật được trưng bày ở các trung tâm điện máy uy tín. Nhưng khi thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, bà chủ tiệm ngần ngừ rồi khẳng định lại: “Cặp thùng loa, màng lưới bảo vệ loa, tem, logo đảm bảo là hàng “bãi” nguyên thủy. Các loa bass và treble đều là hàng sản xuất tại đây. Nhưng yên tâm đi, cũng là hàng “xịn”. Thôi chắc giá là 7 triệu đồng/cặp”.
Cửa hàng TM ở gần đó chuyên bán các loại loa, ampli làm nhái hàng các nhãn hiệu Bose, Boston audio, JBL, Yamaha, B&W... Ông Thanh, chủ cửa hàng, đồng ý giảm gần 20% trên giá trị sản phẩm khi biết chúng tôi cần mua số lượng lớn để làm đại lý phân phối cho cửa hàng. Cụ thể, loại loa sub (siêu trầm) gắn mác, logo... của Hãng B&W (loa sản xuất tại Anh) sẽ có hai loại: loại 1 được lắp ráp từ hàng Trung Quốc có giá 3,4 triệu đồng/cặp (giảm còn 2,8 triệu đồng/cặp), loại 2 là hàng điện tử của VN lắp ráp, giá 2 triệu đồng/cặp (giảm còn 1,6 triệu đồng/cặp).
Tương tự, các dòng như loa JBL-RM 10II hoặc Boston 999-III đều có hàng giả gắn nhãn, logo chính hãng, nước sản xuất là Mexico... được bán với giá 4 triệu đồng/cặp. Các loại ampli karaoke giả dán nhãn hiệu của Boston, Yamaha... có giá bỏ mối 2,7 triệu đồng/chiếc.
Ông Thanh nói: “Loại này hàng chính hãng hiện nay bán ngoài thị trường trên 6 triệu đồng/chiếc. Mấy anh mua hàng nhái lời gấp đôi mà khách mua chẳng thể nào biết được vì giống y như thật”.
Nhãn xịn, ruột dỏm
Tại cửa hàng điện tử TMP, đường Lý Thường Kiệt, Q.10 chất hàng trăm bóng đèn hình “nghĩa địa” (gỡ ra từ tivi đã sử dụng) xếp thành từng đống, nằm la liệt trong cửa hàng. Bên trong cửa hàng là nơi bốn nhân viên điện tử đang tỉ mỉ lắp ráp theo từng công đoạn các loại tivi nhái thương hiệu của Sony, Samsung, LG...
“Công nghệ” khá đơn giản: bóng đèn hình tivi sử dụng cho loại tivi nhái này được lấy từ tivi “nghĩa địa”, bo mạch là hàng Trung Quốc, vỏ tivi được sản xuất đại trà, sơn bóng thủ công do một cơ sở gần đó đảm nhận.
Theo một người chuyên bỏ mối bóng đèn hình cũ tại khu chợ Nhật Tảo, giá mỗi bóng đèn hình cũ này dao động từ 100.000- 200.000 đồng/bóng. Tuổi thọ của các loại bóng trên cao nhất hơn ba năm. Nhưng phần lớn chỉ sau vài tháng sử dụng bóng sẽ xuống màu, sau đó “ngủ” luôn không thể sáng.
Ông chủ tiệm TMP cho biết: “Chỉ những loại tivi 21 inch, bóng đèn hình phải nhập mới từ Trung Quốc về để lắp ráp. Các loại 14, 17 inch đều tận dụng lại bóng đèn hình từ các loại tivi “nghĩa địa” để lên hàng. Sau khi lắp ráp vỏ nhựa, sơn tút lại, gắn bo mạch hoàn chỉnh giống hệt tivi mới của Sony, Samsung...”.
Ông này thừa nhận các loại tivi ở đây chỉ khác nhau cái nhãn (thương hiệu) như Sony, Samsung, LG..., còn ruột và kiểu dáng thì đều do một “lò” làm ra nên giống y nhau. Giá bán loại tivi 21 inch là 1,25 triệu đồng/cái, loại 17 inch là 700.000 đồng/cái, 14 inch là 500.000 đồng/cái và được bảo hành ba tháng. “Nếu khách mua về bán lại thích thương hiệu gì chúng tôi sẽ gắn thương hiệu đó theo ý khách. Bảo đảm lời chán, người tiêu dùng thấy tivi nhãn xịn, mới toanh lại có giá rẻ hơn hàng ở các trung tâm điện máy lớn thì mua ngay. Nếu không các anh rao trên báo, trên mạng mà bán sẽ có khối người bị gạt”.
Tương tự, cửa hàng TH, đường Nhật Tảo, Q.11 cũng chuyên lắp ráp và bán tivi “nhái” các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Trên kệ trưng bày của cửa hàng để hàng loạt tivi với các nhãn hiệu Sony, Samsung... đủ kiểu dáng, kích cỡ.
Bà chủ tiệm khẳng định: “Nếu khách hàng cần thay đổi nhãn mác để dễ mua đi bán lại theo thị hiếu thì tui sẽ cung cấp mỗi cái nhãn làm bằng nhựa, mạ bạc, có nhiều thương hiệu khác nhau với giá 5.000 đồng/cái. Ngoài ra, tiệm luôn có sẵn tivi không tên (chưa gắn thương hiệu) để khách dễ dàng “đặt tên” cho nó”.
“Mất tiền, chuốc thêm bực mình”
Bà Ngọc Trâm, ngụ ở P.14, Q.3, cho biết cách đây hơn hai tháng, bà mua một bộ mixer (bộ trộn âm) Yamaha MG-166CX tại cửa hàng âm thanh YY trên đường Ba Tháng Hai, Q.10. Nhân viên cửa hàng này giới thiệu đây là sản phẩm do Indonesia sản xuất, “đảm bảo chắc chắn không phải hàng Trung Quốc”, bán với giá 5,4 triệu đồng/bộ. Mang máy về nhà sử dụng nghe âm thanh rè rè, bà Trâm không hài lòng, gọi điện yêu cầu đến năm lần nhưng người của cửa hàng vẫn không đến bảo hành.
Mới đây, bà mang máy đến cửa hàng yêu cầu trả lại và chấp nhận chịu lỗ tiền tính theo phần trăm nhưng ông chủ cửa hàng này nhất định từ chối thu lại hàng, bảo rằng “tiền trao cháo múc”. Bà đành mang ra chợ Nhật Tảo để bán nhưng không tiệm nào chịu mua lại vì chê là “hàng Trung Quốc lắp ráp”.
Mặc dù trên thân máy ghi rành rành sản xuất tại Indonesia và giấy bảo hành thời hạn còn 11 tháng tại cửa hàng YY. “Người nhà tui cũng gặp trường hợp tương tự với một tivi 21 inch mới tinh được dán mác hiệu Sony mua tại một cửa hàng điện tử. Đúng là mất tiền còn chuốc thêm bực bội cho mình” - bà Trâm than thở.
Theo Tuổi trẻ online
ĐỨC THANH - HOÀNG HOA