Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Đi mua loa cũ


Đi mua loa cũ
Khi nghe Số Hóa tiết lộ định thay bộ loa, Bình, một dân chơi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tặc lưỡi: "Mua loa second-hand đi, không thích còn đổi được. Mua loa mới không đổi được đâu. Cứ ra chợ trời, phố Huế, Hai Bà Trưng, Khâm Thiên, thiếu gì”.
Loa Mission second-hand.
Loa Mission second-hand.
Trong giới chơi âm thanh, có thể xếp Bình vào dạng dân "nghiện". Mới chơi nhưng trong hơn một năm qua, anh đã dăm bảy lần đổi loa. Hiện tại nhà Bình có đến 4 đôi loa, không đôi nào là loa mới. Bình cho biết: "Thường thì dân chơi audio chuộng loa cũ hơn loa mới, thứ nhất là vì giá loa cũ rẻ hơn, thứ hai, có thể tìm được sản phẩm chất lượng của những tên tuổi đã thành danh".
Một đôi loa second-hand ở thị trường Việt Nam có giá chỉ bằng một phần ba so với giá xuất xưởng. Bình cho rằng công nghệ làm loa trong nhiều thập niên qua tuy có thay đổi nhưng sự thay đổi đó không nhiều và không liên tục nếu so với công nghệ chế tạo các thiết bị điện tử khác. Qua thời gian sử dụng, hình thức và chất lượng của một đôi loa cũ có thể bị suy giảm, song cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại, thì loa cũ vẫn là sự lựa chọn của số đông dân chơi có kinh nghiệm.
Loa biểu diễn RVX, hàng second-hand mới có.
Bình cũng giới thiệu luôn, khu vực chợ trời bán đồ second-hand thì nhiều nhưng không phải đồ chất lượng cao, ở đây chủ yếu bán hàng bãi của Nhật. Hàng Âu, Mỹ cũng có nhưng chỉ là hàng bình dân, dành cho “newbie”, tức là những người mới chơi. Muốn tìm loa tốt hơn thì phải lên khu vực Khâm Thiên, hoặc chọn lọc hơn thì ở mấy cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng, phố Huế.... Ngoài ra còn có một số nơi bán nhỏ lẻ, chất lượng khá hơn chợ trời một chút.
Dọc phố Hai Bà Trưng và Khâm Thiên có mấy hàng bán đồ thiết bị âm thanh second-hand mà dân audiophile (mê âm thanh) thường lui tới. Theo Hoàng Cồ (nhân viên của Vietnam Airlines), mua loa ở đây thì đảm bảo và không phải soi mói nhiều bởi hàng thường đã được dân buôn chọn lựa và có những đôi đã được test thử nên yên tâm hơn. Tuy nhiên chất lượng có giá của nó.
Di mua loa phai xem gan loa nua.
Đi mua phải xem gân loa nữa.
Phố Trần Cao Vân (chợ trời) có đến hơn chục hàng loa cũ mới xen lẫn. Hàng mới là hàng Tàu, hàng cũ thì không biết xuất xứ, khi mua cần xem kỹ để không mua phải loa đã bị sửa chữa. Một trong những điểm cần chú ý trước hết là gân loa. "Cần phải xem đường bôi keo quanh gân có lem nhem hay không, hay nếu trông gân loa mới hơn hẳn màng loa thì không còn nghi ngờ gì nữa, nó đã bị thay gân rồi. Thay gân loa có thể ảnh hưởng không nhiều tới chất lượng loa, nhưng điều có nghĩa là giá trị của nó đã mất. Hơn nữa, đối với một số đời loa, thay gân ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng âm thanh", Hoàng Cồ giải thích.
Khu vực chợ trời trên phố Huế là nơi dân mới tập chơi âm thanh hay đến vì hàng hoá phong phú và được lựa chọn sơ bộ. Vừa đi, Hoàng Cồ vừa tư vấn, nên mở thùng loa ra kiểm tra nam châm có bị sứt sẹo hay không, các mối hàn ở mảng phân tần còn mới hay cũ. Anh nhấn mạnh: "Đặc biệt là phải xem củ loa (driver) có đúng không. Trên củ loa xịn thường ghi đầy đủ các thông số kỹ thuật. Dòng loa gì thì phải dùng củ loa đấy, nếu củ loa không đúng dòng tức là đã bị đổi".
Tren cu loa xin thuong ghi ro thong so ky thuat.
Trên củ loa xịn thường ghi rõ thông số kỹ thuật.
"Nhưng gặp hàng nào không cho mở ra thì chịu", anh cười. "Lúc đấy thì chỉ kiểm tra bằng tai của mình mà thôi. Đôi khi kiểm tra bằng tai tại cửa hàng cũng khó vì nơi đó ầm ĩ quá và các thiết bị đi kèm để nghe thử (ampli, đầu đọc...) không chuẩn. Nếu nghe thử mà thấy tiếng tép hơi xé thì có thể loa treble đã bị quấn lại bobin".
Kinh nghiệm của Bình và Hoàng Cồ là nên đi xem, nghe thử các loại loa, sau đó tìm thông tin về sản phẩm đó trên mạng, hoặc nhờ những người đã chơi tư vấn xem nó có thể “phối” tốt với bộ dàn ở nhà, hay có phù hợp với phòng nghe của mình hay không. Hơn nữa, người mua loa second-hand nên chọn những cửa hàng sẵn sàng cho người chơi đặt cọc và đem loa về thử trong một thời gian. Nếu thấy không hợp và trả lại hàng, người mua sẽ bị trừ tiền.
Thanh Vân