Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Hướng dẫn mua đàn organ cho người mới tập.


Chậc, câu hỏi này có lẽ 100 ông bố bà mẹ có con ở tuổi lên 5 thì có đến 40 người sẽ hỏi. Chuyện cho con đi học nhạc ở lứa tuổi này có lẽ không nhạc cụ nào phù hợp hơn organ và piano. Học trên lớp với giáo viên, về nhà phải tập thêm, giáo viên nào cũng bảo thế. Tập thêm ở nhà thì phải có “đồ chơi”, mà đây là thứ “đồ chơi” không đại chúng nên để mua được cây đàn phù hợp túi tiền, phù hợp trình độ, chất lượng phù hợp là điều không dễ dàng như việc đi sắm laptop hay con điện thoại di động mới.
Lên hỏi anh Google, ảnh sẽ chỉ đến mấy trang rao vặt, rổng bay, én bạc, webtretho, lamchame… với đủ kiểu bán hàng với chút ít tư vấn không đầu không đũa, và thường ở trình độ cao nên cho dù có đọc cả ngày thì chắc bạn sẽ thấy lùng bùng đầu óc mà kết quả “mua gì, ở đâu” vẫn chưa xác định được. Các “nhà tư vấn” tầm thấp thì cho lời khuyên chắc như đinh đóng cột là “đàn Yamaha nghe hay hơn và bền hơn đàn Casio”. Và “đàn Casio thưởng rẻ hơn đàn Yamaha”. Lên mạng khảo giá, bạn thấy đúng. Sang nhà giáo viên, thấy cô ấy toàn dạy bằng đàn Yamaha. Vậy là có cơ sở để bạn tin rằng, “Nên mua đàn Yamaha“.
Lại sục sạo trên mạng để tìm con Yamaha phù hợp các tiêu chí rẻ, bền, hay, đẹp bạn sẽ gặp rất nhiều tư vấn của nhiều chuyên gia, được đăng tải từ 2007 đến 2010. Có nhiều tư vấn rất có giá trị, nhưng thời điểm tư vấn là 2008, liệu đến 2011 này có còn đáng tin cậy? Có chuyên gia cho rằng, mua đồ cũ mà “chất” (nhiều tính năng, âm thanh hay) còn hơn là mua đồ mới nhưng sau vài năm luyện tập, trình lên lại phải đổi đàn thì phí lắm. Cái này cũng có lý. Nhưng cũng có chuyên gia cho rằng, đồ cũ mà “chất” thì chắc chắn phải thuộc dòng đàn chuyên nghiệp, dùng cho mấy nhạc công đi diễn kiếm cơm nên có thể (1) rất khó cho người bắt đầu học có thể sử dụng –> dễ nản, và (2) nhạc cụ cũ này tiềm tàng nhiều “bệnh” ngầm do tần suất làm việc cao và phải di chuyển nhiều. Cái này cũng có lý nốt. Còn đàn cũ mà không “chất” thì chỉ được cái tiêu chí RẺ!
Lùng bùng cái đầu mà vẫn chưa trả lời được, “mua đàn cũ hay mua đàn mới?”“mua đàn chuyên nghiệp hay đàn dành cho người bắt đầu tập và giới nghiệp dư?”
Khó nhỉ! Đi làm ly cafe :)
Đàn cũ (tương đương với đời cũ) hay đàn mới?
Yamaha PSR 550: con này ra đời cách đây cả chục năm. Có nhạc công dùng nó làm cần câu cơm nên về "ngon", "bổ" thì chắc là ổn, với điều kiện đàn cũ nhưng còn tốt. Rẻ thì con này hổng rẻ mấy, tương đương mấy con dòng nghiệp mới. Dòng mới của con này là PSR S550B, mới hơn, nhưng cũng có chuyên gia phán rằng PSR S550B nghe hổng hay bằng PSR550 :)
PSR 740, cũng được coi là đồ có "chất", dù đời cũ.
PSR 1500. Có chuyên gia cho rằng PSR 1500 chỉ tiện cho việc lấy dữ liệu thôi chứ âm thanh không ổn. PSR S700 và PSR 1500 kém PSR 2100
PSR 2000. Có chuyên gia đánh giá ưu điểm là chắc chắn, bền, hay, hợp túi tiền và nhược điểm là dùng đĩa mềm không lưu được nhiều bài khi đi câu cơm.
PSR 2100. Có chuyên gia cho rằng PSR2100 sử dụng rất thuận tay, tiếng loa chắc, hay, độ bền cao, ít hỏng. Nhược điểm là sử dụng đĩa mềm chứ không phải USB :) (rất quan trọng khi dùng làm cần câu cơm). PSR 2100 kém con PSR 2000 một chút về độ sạch và độ chắc của tiếng nhưng có bộ nhớ trong lớn hơn.
PSR 3000
PSR 3000. Vẫn được xem là đời mới. Được xem là "lành tính". :)
PSR S700. Đời mới.
PSR S900. Đời mới. Có chuyên gia cho rằng, nhìn chung s700 và s900 đều dùng tốt nhưng hay bị lỗi màn hình :) . s900 hơn PSR 3000 về tiếng SA ,về chế độ thu của đàn và một số tiện lợi khác khi đi làm hội diễn,hội thi,tập chương trình... nhưng ... xấu và hay bị lỗi màn hình,loa..v.v.
PSR S710. Mới và "chất". Đắt thè lưỡi.
PSR S910. Cũng mới và "chất". Cũng đắt thè lưỡi. Được đánh giá là đỉnh nhất của dòng PSR cho đến hiệu tại 20110124
Như vậy sau khi xem qua, có lẽ xu hướng mua đồ cũ có vẻ đang thắng thế, bởi đồ mới thì giá đến hơn chục triệu. Nhưng đồ cũ + tốt liệu có rẻ không? Phải xét tiếp, cần mua đồ chuyên nghiệp hay nghiệp dư?
Nên mua đàn thuộc dòng chuyên nghiệp hay nghiệp dư?
Piano/Keyboards của Yamaha có mấy phân khúc chính như sau:
Piano chuyên: cái này không quan tâm.
Piano điện dòng YDP, dòng P series, dòng NP, và dòng Portable Grand như DGX, YPG: có nhiều chuyên gia nhận xét rằng đây là các dòng dở dở ương ương, bỏ thì thương vương thì nợ. Piano không ra piano mà organ không ra organ. Tốt nhất, ở trình độ đại chúng thì đừng vương vào làm gì cho phí. :)
Arranger Workstations: là dòng organ chuyên nghiệp, là dòng để câu cơm. Cấp trên của dòng này là Tyros, dưới là PSR-S (PSR trơn hình như không còn sản xuất nữa) mà đỉnh nhất hiện tại (201101) là Tyros4 và PSR-S910.
Tyros4
Đặc điểm của phân cấp này là rất xịn, rất đẹp, rất hay, và rất MẮC TIỀN, vài chục chai một con!
Portable Keyboards:  chủ yếu là dòng PSR-E. Rất phổ thông. Giá khá mềm. Mới nhất của dòng này là PSR-E423.
PSR-E423. Ra mắt đầu năm 2010. Giá bán ở Việt nam (20110124) là chỉ khoảng 6 triệu đồng cho một con mới tinh. Các video trên youtube cho thấy đây là một con keyboard rất ổn. Các đánh giá trên web dành cho con này là khá tốt.
Phù!!! Yamaha còn nhiều dòng khác nữa, nhưng có lẽ sau khi đi được đến đây thì bạn nên dừng lại là vừa. PSR-E423 có vẻ như là một lựa chọn phù hợp: mới + bảo hành, giá khá ổn so với các đàn đời cũ bán lại. Biết bao giờ và biết đâu không bao giờ trình độ lên đến mức chuyên nghiệp đến nỗi phải đổi đàn nhỉ? Mà nhiều người chơi chuyên nghiệp cũng thường ghép 2 con lại đấy thôi (theo kiểu array), vậy thì có phí đi đâu mà lo, mai sau mua thêm con Tyros về mà ghép, tha hồ mà…!!!
Phù!!!