Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Mặt sau của triển lãm hi-end Mỹ


Các triển lãm âm thanh hi-end của Mỹ thường có doanh số thấp vì giá sản phẩm thường vượt quá khả năng chi trả của người dùng.

Các tay chơi âm thanh Mỹ rất thích đi xem triển lãm hi-end, bởi ngay cả tại nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới nhưng quá rộng lớn, mạng lưới các showroom là rất thưa thớt. Và ngay tại những showroom này cũng không có nhiều chủng loại sản phẩm. Vì lẽ đó, số lượng triển lãm tăng lên theo từng năm, nhưng nghịch lý là hầu hết đều không thành công như mong đợi.
Các triển lãm Hi-Fi Mỹ thường không thành công. Ảnh: Exep.
Các triển lãm hi-fi Mỹ thường không thành công. Ảnh: Exep.
Theo Stereophile, triển lãm Axpona Atlanta diễn ra vào trung tuần tháng 4 được tổ chức tại trung tâm đông đúc, nhiều nhà tài trợ, nhà sản xuất, nhà phân phối thiết bị âm thanh, cũng như có "dày đặc" các chương trình biểu diễn. Tuy vậy, lượng khách tham quan lại khá ít, dù sao các nhà tổ chức cũng đã "xoay sở" để có được đủ doanh số, bù cho chi phí đã bỏ ra.
T.H.E Show Newport Beach được tổ chức ở miền Nam California vào đầu tháng 6, cũng có nhiều nhà tài trợ và số đơn vị tham gia tương đương Axpona, nhưng lượng khách tham quan nhảy vọt gần gấp ba lần triển lãm ở Atlanta. Nguyên nhân chủ yếu là giá vé khá rẻ, thu hút được nhiều người hiếu kỳ, nhưng doanh số có tương xứng với lượng khách tham dự hay không vẫn chưa thể chắc chắn.
Vào cuối tháng 6, triển lãm Axpona New York một lần nữa gây thất vọng với số lượng các nhà sản xuất "nghèo nàn", tương tự với lượng người xem. Lý giải cho điều này, các giới chức liên quan cho rằng thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ 2 tháng kể từ khi thông báo lần đầu tại Atlanta. Nhưng nhiều người suy đoán rằng chính thất bại 2 tháng trước đã "ngăn bước" các đơn vị sản xuất, kinh doanh đến với thành phố lớn nhất nước Mỹ lần này.
Còn rất nhiều triển lãm khác diễn ra trong năm vừa qua tại Mỹ, như Capital AudioFest ở Rockville, California Audio Show ở San Francisco, Rocky Mountain Audio Fest ở Denver... nhưng liệu những cái tên kể trên trên có "tồn tại" được đến năm 2012 hay không, tất cả phụ thuộc vào những gì các đơn vị tham gia nhận được, so với những gì họ phải bỏ ra để tài trợ. Một triển lãm âm thanh không thể thiếu sự tham gia của các nhà sản xuất, kinh doanh âm thanh. Trong khi đó, khách hàng chưa đủ nhu cầu, và hầu bao không đủ "dư dả" để mua sắm.
Ampli đèn Việt phát triển cầm chừng. Ảnh: Teablue.
Ampli đèn Việt phát triển cầm chừng. Ảnh: Teablue.
Ở một khía cạnh khác, Stereophile đề cập đến vấn đề sản phẩm tại các triển lãm này không có xuất xứ từ Mỹ. Đơn cử tại triển lãm Axpona New York, đôi loa KEF Q900, Pioneer SP-BS41-LR, Atlantic Technology AT-1 đều sản xuất tại Trung Quốc. Ampli phono EAR 324, dây dẫn Giant-Killer và ampli công suất Musical Fidelity AMS100 từ Anh. Furutech GT40 và Integra DHC-80.2 từ Nhật Bản và nhiều sản phẩm khác. Duy chỉ có một pre-ampli Rogue Audio Ares được sản xuất tại Mỹ.
Trong khi người tiêu dùng không thể chi trả cho những sản phẩm này vì mức giá quá cao, các nhà tổ chức triển lãm Mỹ thì lại đang "chuộng" những sản phẩm "đắt đỏ" xuất xứ từ nước ngoài. Ngoài ra, các hãng âm thanh Mỹ đưa sản phẩm ra khỏi biên giới để gia công nhằm giảm chi phí, nhưng lại thất thoát một nguồn tiền tệ lớn cho các nước phát triển, hơn nữa lại không thúc đẩy thị trường sản xuất âm thanh trong nước phát triển để hạ dần giá thành. Kết quả, các thương hiệu Mỹ và bán ở Mỹ hầu hết là những sản phẩm hi-end với mức giá cao "chót vót".
Nguyên Khánh