Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Đi tìm âm thanh số chất lượng cao

Đi tìm âm thanh số chất lượng cao


Kỷ nguyên chia sẻ qua Internet đã khiến cho âm thanh nén trở nên quá dại trà, nhưng không vì thế dập tắt được dòng chảy âm thanh chất lượng cao.
Trào lưu trở lại mối quan tâm về chất lượng âm thanh số thực ra đã manh nha từ trước rất lâu. Ngay từ những năm 1970, thuật ngữ "độ trung thực cao - high fidelity" đã ra đời nhằm diễn tả chất lượng của bản ghi âm. Khi bước sang thiên niên kỷ mới (thế kỷ 21) khái niệm này một lần nữa được khơi lại với sự ra đời của các định dạng âm thanh mới SACD và DVD-A với độ phân giải lên tới 24-bit cùng các hệ thống âm thanh vòng lập thể, mặc dù các định dạng này chưa thực sự nổi bật tại thời điểm ra mắt.
am_thanh_1.jpg
Càng nhiều dữ liệu, chất lượng âm thanh càng cao, nhưng theo đó dung lượng các bài nhạc lại càng lớn, khó phù hợp đối với phần lớn người tiêu dùng.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Ngắn gọn lại, tất cả đều liên quan đến dữ liệu âm thanh. Càng nhiều dữ liệu, chất lượng âm thanh càng cao, nhưng theo đó dung lượng các bài nhạc lại càng lớn, khó phù hợp đối với phần lớn người tiêu dùng. Đối với những người nghe bình thường, các bài nhạc MP3 trên Amazon hay AAC trên iTunes của Apple là đủ có chất lượng tốt bởi chúng được ghi với bit-rate cố định 256 Kb/giây. Amazon cũng có một số lượng bài nhạc ghi theo phân giải tùy biến, nhưng tựu trung cũng nằm trong khoảng 224 Kb/giây tới 256 Kb/giây. Cùng một bit-rate, nhưng định dạng AAC thông thường được cho là có chất lượng tốt hơn chút đỉnh so với MP3, nhưng những cải tiến trong thuật toán mã hóa MP3 gần đây cũng đang ngày càng xóa đi quan niệm này.
Ngoài các bài nhạc bán trên web, 256 Kb/giây cũng là độ phân giải mã hóa mặc định của iTunes khi nén CD vào iTunes (tất nhiên người dùng vẫn có thể thay đổi). Các chương trình nghe nhạc khác như Windows Media Player, Winamp cũng vậy, dù cắt hay nén như thế nào, các bài nhạc 256 Kb/giây có vẻ như là lựa chọn tối ưu nhất giữa dung lượng và chất lượng, nghe tốt hơn hẳn các bài 128 Kb/giây mà dung lượng chỉ chiếm gấp đôi dung lượng vốn đã quá nhỏ gọn của bit-rate 128 Kb/giây thông thường.
Nhưng khi xét đến vấn đề chất lượng, có vẻ như ngay cả 256 Kb/giây vẫn chưa đủ. Các bài nhạc không nén độ phân giải cao 16-bit mới thực sự đạt chất lượng như CD (với bit-rate 1411 Kb/giây). Thậm chí ngày nay giới audiophile còn yêu cầu các bài nhạc với độ phân giải 24-bit mới đủ chỗ thể hiện đầy đủ những sáng tạo của các nghệ sĩ.
Tuy nhiên, để có các bài nhạc đạt "chất lượng CD", do không nén nên dung lượng các bài này lại khá lớn, thường gấp 10 lần các file nhạc MP3 hay AAC tùy thuộc vào bit-rate (khoảng 10MB cho mỗi phút âm nhạc so với chỉ chưa đầy 1MB của MP3 hay AAC), chưa kể các bài nhạc 24-bit còn tốn dung lượng nhiều hơn (khoảng 30MB/mỗi phút âm nhạc). Các bài nhạc không nén này có thể tồn tại dưới nhiều định dạng như FLAC, WAV, AIFF, hay Apple Lossless (mặc dù cả FLAC và Apple Lossless cũng nén dữ liệu nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh).
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, để có chất lượng, hiện có hai vấn đề đối với các định dạng không nén: đó là dung lượng và băng thông. Mặc dù ổ cứng cơ đang ngày càng rẻ, nhưng các thiết bị di động vẫn còn những hạn chế nhất định bởi vẫn phụ thuộc vào ổ cứng thể rắn vốn có giá thành rất đắt đỏ, nhất là sự trở lại của các ổ này trong các thế hệ ultrabook hiện nay. Thời gian tải nhạc cũng là một vấn đề cần quan tâm bở lẽ tải một album nhạc không nén mất thời gian hơn nhiều so với việc tải MP3, và dung lượng lớn của các bài nhạc không nén sẽ làm hạn chế băng thông nhất là trên các dịch vụ trên nền điện toán đám mây từ Amazon, Google hay Apple như hiện nay.
Rõ ràng bài nhạc có dung lượng càng lớn, chất lượng âm thanh càng được cải thiện. Các nghệ sĩ cho rằng khi tạo ra bản nhạc gốc có chất lượng tới 100% thì người tiêu dùng chỉ nhận được 5% chất lượng nếu họ nghe bằng nhạc MP3. Xét về kỹ thuật đơn thuần điều này cũng đúng, bởi lẽ một bài nhạc MP3 128 Kb/giây dài 3 phút chỉ tốn hơn 3MB, có thể mang đi khắp nơi do dung lượng chỉ bằng 1/10 tới 1/20 dung lượng âm thanh gốc không nén từ CD (30MB cho chất lượng CD 16-bit hay 100MB với chất lượng 24-bit của một bài nhạc 3 phút).
Trong thực tế, dù đã được nén và loại bỏ khá nhiều dữ liệu, hầu hết các dữ liệu cơ bản của một bài nhạc vẫn hiện hữu, đủ để tái hiện lại bản ghi âm. Phần lớn đối với hầu hết người nghe, nhất lại là khi họ vừa nghe nhạc vừa làm việc khác thì chất lượng 256Kbps hay thậm chí 128 Kb/giây cũng đã là quá đủ. Chính thuật toán mã hóa MP3 với tối ưu giữa chất lượng và dung lượng đã tạo một bước tiến đột phá khi nó ra đời vào khoảng giữa những năm 1990, đưa MP3 trở thành một tiêu chuẩn nhạc nén xuất sắc nhất thời đó.
Nhưng khi đầu tư một bộ loa hay một headphone đủ tốt, nếu nghe kỹ, bạn sẽ thấy ngay vấn đề chất lượng giữa nhạc nén và nhạc trên đĩa gốc. Bạn sẽ nhận thấy ngay sự khác biệt trên bài nhạc MP3: âm trầm yếu hơn, bị lẫn âm giữa tiếng trống và tiếng guitar bass nếu chơi cùng nhau; tiếng chũm chọe nghe loãng… và nếu bài nhạc được nén với bit-rate thấp, sự khác biệt sẽ còn rõ rệt hơn. Rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt của âm thanh được người nghệ sĩ và kỹ sư âm thanh đặt vào bài nhạc sẽ gần như bị biến mất hoàn toàn trong các file MP3, kể cả với chất lượng 256 Kb/giây hay 320 Kb/giây đi nữa.
Nếu chuyển sang các bài nhạc dùng định dnạg không nén như FLAC, các nhược điểm trên sẽ không còn. Tất nhiên là với cá máy tính có loa tích hợp hay một bộ loa chỉ trên dưới một triệu, âm thanh nhạc không nén cũng chả có ý nghĩa gì vì không tạo được gì khác biệt. Các tai nghe nhạc đi kèm sản phẩm, kể cả iPod cũng vậy cũng không đủ để hỗ trợ tái hiện đầy đủ chi tiết của một bài nhạc không nén. Nhưng nếu bạn nâng cấp tai nghe lên những phiên bản cao cấp hơn từ Shure hay Etymotic hay nghe nhạc từ hệ thống âm thanh của Bowers & Wilkins hay Paradigm, bạn sẽ bắt đầu nghe được những chi tiết bạn chưa nghe thấy từ trước tới giờ. Trường âm dù chỉ stereo cũng như được nâng cấp lên 3 chiều với cảm nhận độ sâu và không gian rõ rệt hơn. Trải nghiệm âm nhạc của bạn sẽ như thể tấm màn bao phủ lên cái gọi là chất lượng đã được dỡ bỏ, âm thanh trở nên tự nhiên và trung thực hơn, tiếng chũm chọe biệt lập với tiếng trống nện, tiếng tay miết trên đàn guitar cũng như từng chuyển động mỗi khi chuyển gam hay độ ấm của thùng guitar gỗ trở nên rõ rệt hơn.
Để nâng cấp chất lượng, một số các trang dịch vụ hiện đã bán các bài nhạc không nén FLAC trực tiếp như HDTracks, Magnatune, Zunior hay The Classical Shop… Một số nghệ sĩ cũng bắt đầu tạo ra các phiên bản không nén âm nhạc của mình trên các website, chẳng hạn như Beatles hiện đang bán cả bộ 14 album nhạc không nén trong một USB với định dạng FLAC 24-bit với giá 300 USD, hay Trent Reznor ra mắt phiên bản không nén album Ghost gồm 4 phần của mình thông qua BitTorrent, cơ chế chia sẻ dữ liệu dung lượng cao thông dụng nhất hiện nay.
Mặc dù xu hướng nhạc chất lượng đang dần trờ lại, nhưng nhạc số không nén vẫn chưa thực sự hòa chung vào dòng chảy phổ cập âm nhạc thời đại Internet. Với sự tiện dụng và gọn nhẹ của nhạc nén, các nghệ sĩ, các chuyên gia hòa âm hay các audiophile lo sợ rằng mọi người rồi sẽ không nhận ra được là mình đang nghe cái gì, đang bỏ lỡ cái gì, và rất có thể vì thế mà âm nhạc hi-end rồi sẽ biến mất mãi mãi.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận số người tìm đến với âm thanh số chất lượng cao đang ngày càng nhiều, và với những công nghệ hiện đại, việc tiếp cận đến các nguồn âm thanh nguyên gốc ngày một dễ dàng hơn. Rõ ràng xu hướng mua và nghe những nguồn nhạc số không nén chất lượng cao đang phát triển, và xu hướng rày sẽ tiết kiệm thời gian và tiền của hơn nhiều so với việc người mua đi mua một đĩa CD, mang về nhà rồi lại nén ra ổ cứng, để sau đó đĩa CD trở thành vô dụng.
Các thiết bị di động thế hệ mới nhất như Samsung Galaxy Nexus hay iPhone 4S cũng đã được hỗ trợ phát ama thanh chất lượng cao, theo đó nếu đầu tư một tai nghe cỡ 2 đến 3 triệu đồng, người nghe cũng có thể trải nghiệm được chất lượng âm thanh tuyệt hảo từ nhạc không nén. Các bộ loa dân dụng cũng vậy, có những bộ loa chỉ 2.1 và ở mức 3 đến 4 triệu đồng như Harman/Kardon SoundSticks III cũng có thể cho chất lượng âm thanh trong và rõ không ngờ khi chơi những bản nhạc số không nén chất lượng cao. Những nhà làm nhạc có thể không cần phải lo lắng về sự xuống cấp thị hiếu âm nhạc bởi dòng chảy âm thanh chất lượng cao dù lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn luôn tiếp diễn.
Nguyễn Hà