Compressor là một thiết bị xử lý tín hiệu tự động. Nói một cách chính xác thì đây là một thiết bị chỉnh âm lượng tự động, nếu âm lượng to vượt ngưỡng (threshold) thì tự giảm xuống. Trong trường hợp ta tăng âm lượng của tín hiệu thì tín hiệu nhỏ sẽ được tăng lên mà tín hiệu to vượt ngưỡng sẽ không bị to quá. Do vậy âm thanh sẽ cân bằng hơn. Threshold
Ngưỡng (threshold) là một mức độ hạn chế tín hiệu do mình tự đặt. Đó là điểm mà tín hiệu sẽ bị ảnh hưởng. Ở ngưỡng là 0 dB thì có nghĩa là chúng ta không nén gì cho tín hiệu âm thanh. Ratio
Số lượng tín hiệu bị giảm đi được xác định bằng tỷ lệ nén (Ratio). Chẳng hạn, với tỷ lệ 4:1 có nghĩa là khi số lần trung bình của tín hiệu đầu vào vượt ngưỡng là 4dB thì tín hiệu đầu ra chỉ còn vượt ngưỡng là 1 dB. Âm lượng vượt ngưỡng sẽ bị cắt đi là 3 dB. Tương tự như vậy, khi tín hiệu đầu vào vượt ngưỡng 8 dB, thì tín hiệu đầu ra chỉ còn 2 dB, âm lượng bị giảm là 6 dB. Để hiểu rõ hơn ta xem minh họa sau, với tỷ lệ nén là 4:1
Ngưỡng (Threshold) để là = −10 dB
Tín hiệu đầu vào (Input) là = −6 dB (vượt ngưỡng là 4 dB)
Tín hiệu đầu ra (Output) còn = −9 dB (chỉ 1 dB vượt ngưỡng)
Attack là thời gian tín hiệu bị nén nhanh hay chậm, khi tín hiệu đến ngưỡng.
Release là thời gian nhanh hay chậm khi tín hiệu bị nén hạ xuống. Trong một số compressor thì thời gian attack và releasecó thể chỉnh được, nhưng trong một số Compressor lại được tự động và không thể điều chỉnh được. Khi chúng ở chế độ tự động thì sẽ tùy thuộc vào tín hiệu đầu vào
Nén Hard Knee và Soft Knee
Một số Compressor cho phép ta chọn hard knee hay soft knee. Nút này cho phép ta thay đổi hình dạng của góc tín hiệu nén (xem hình trên). Soft knee tăng dần tỉ lệ nén (ratio) khi tín hiệu tăng cao cho đến khi tới tỷ lệ nén đã được đặt trước. Nếu ta dùng một compressor bình thường, sẽ không có gì xảy ra khi tín hiệu ở dưới ngưỡng, và khi tín hiệu vượt ngưỡng thì compressor sẽ hoạt động và cắt đi các phần vượt ngưỡng. Chẳng hạn ta dùng tỉ lệ RATIO là 4:1thì khi tín hiệu vượt ngưỡng cứ mỗi 4 db tín hiệu đầu vào, compressor sẽ chỉ cho phép 1db vượt ngưỡng. Với Compressor có chức năng nén Hard Knee, thì mức độ tín hiệu bị nén đầy đủ, ngay khi tín hiệu bắt đầu vượt ngưỡng.
Soft Knee thì làm việc theo nguyên lý khác, nó nén tín hiệu dần dần khi tín hiệu bắt đầu vượt ngưỡng. Khi tín hiệu đầu vào trong khoảng 10 dB cách ngưỡng thì compressor bắt đầu nén từ từ với một tỉ lệ thấp, sau đó nó dần tăng lên khi tín hiệu đầu vào tới dần ngưỡng, và khi tín hiệu thực sụ chạm đến ngưỡng thì compressor sẽ nén đầy đủ theo như tỉ lệ đã đặt.
Soft Knee giảm đi những thay đổi có thể nhận biết được từ khi tín hiệu chưa bị nén đến khi bị nén, đặc biệt ở những tỷ lệ nén cao, nơi mà sự thay đổi tổng thể dễ dạng nhận thấy được. Soft knee không nén theo kiểu đợi tín hiệu lên đến ngưỡng và bất thình lình nén đầy đủ theo một tỉ lệ đã đặt mà nó nén tín hiệu một cách từ từ, do vậy âm thanh sẽ mềm hơn và thích hợp khi ta mix tổng thể hoặc những khi âm thanh mềm mại.
Ta dùng Compressor để khống chế cường độ tín hiệu đầu vào, trong trường hợp muốn tín hiệu khi thu được nhỏ và tối ưu hơn tín hiệu đầu vào. Ngoài ra còn dùng để tối ưu tín hiệu đầu ra và tăng cường tính cách của nhạc cụ. Khi tín hiệu đã có vài hiệu ứng Effect rồi thì ta nên để ngưỡng thấp và tỉ lệ nén thấp để cho tín hiệu không bị nén nhiều quá. Để làm mềm tiếng của trống Snare ta dùng thời gian attack nhanh và thời gian release nhanh vừa và kết hợp với ngưỡng để cao. Để nhấn mạnh vào lực gõ trống snare ta sẽ chọn thời gian attack chậm hơn để tránh ảnh hưởng đến tín hiệu ban đầu.
Cũng nên nhớ là compressor có thể dùng để làm nổi bật những đoạn nhạc có cường độ nhẹ, đẩy âm thanh đã nén nổi lên phía trước. Từ đó những âm thanh trầm sẽ bị kéo lùi về sau và những đoạn nhạc tín hiệu yếu sẽ được tăng cường.
Compressor và Limiter giống nhau, đều là một thiết bị sử lý tín hiệu tự động, chỉ khác ở chỗ mức độ ảnh hưởng đối với phần tín hiệu vượt qua ngưỡng. Compressor thì hoạt động như một thiết bị điều chỉnh âm lượng một cách mềm mại và và không ảnh hưởng nhiều đến quá trình xử lý audio, nhưng Limiter thì can thiệp vào quá trình sử lý tín hiệu nhiều hơn, giảm âm lượng của tín hiệu rõ rệt khi tín hiệu vượt ngưỡng.
Stereo Link
Nút chuyển "Stereo Link" Trên compressor cho phép hai kênh của thiêt bị có thể gắn kết với nhau để xử lý tín hiệu stereo. Ta hãy tưởng tượng là không có chức năng này thì sao? Nếu tín hiệu bên trái to hơn chẳng hạn, tín hiệu đó sẽ bị nén nhiều hơn và ảnh hưởng đến tín hiệu stereo trong khi tín hiệu bên phải lại không được xử lý... Tóm lại chức năng Link ép hai kênh làm việc cùng nhau dựa trên tỉ lệ trung bình của hai kênh tín hiệu. Mỗi nhà sản xuất có một cách thức khác nhau, có thể cách chỉnh và hiệu quả âm thanh sẽ khác nhau.
Tóm lại các nút chỉnh của Compressor là:
INPUT: Âm lượng của tín hiệu đầu vào.
THRESHOLD: Ngưỡng để đặt độ cao của tín hiệu sao cho tín hiệu đến đó sẽ bị nén.
RATIO: Là tín hiệu vượt ngưỡng bị nén nhiều như thế nào trên tỷ lệ bằng dB.
ATTACK: Là thời gian tín hiệu bị nén nhanh hay chậm, khi tín hiệu đến ngưỡng.
DECAY: Là thời gian compressor có hiệu lực khi tín hiệu đầu vào rớt xuống dưới ngưỡng.
LINK: Để kết nối cân bằng với nhau hai bên tín hiệu stereo.
OUTPUT: Đặt mức độ tín hiệu đầu ra.
Bảng thiết lập Compressor cho các nguồn tín hiệu hay dùng
NGUỒN | RELEASE | ATTACK | RATIO | HARD/SOFT KNEE | GAIN RED |
Vocal | Fast | 0.5s/Auto | 2:1-8:1 | Soft | 3 - 8dB |
Rock vocal | Fast | 0.3s | 4:1 - 10:1 | Hard | 5 - 15dB |
Acc guitar | 5 - 10ms | 0.5s/Auto | 5 - 10:1 | Soft/Hard | 5 - 12dB |
Elec guitar | 2 - 5ms | 0.5s/Auto | 8:1 | Hard | 5 - 15dB |
Kick và Snare | 1 - 5ms | 0.2s/Auto | 5 - 10:1 | Hard | 5 - 15 dB |
Bass | 2 - 10ms | 0.5s/Auto | 4 - 12:1 | Hard | 5 - 15dB |
Brass | 1 -5ms | 0.3s/Auto | 6 - 15:1 | Hard | 8 - 15dB |
Mix tổng thể | Fast | 0.4s/Auto | 2 - 6:1 | Soft | 2 - 10dB (kích hoạt Stereo
Link) |
Bình thường | Fast | 0.5s/Auto | 5:1 | Soft | 10dB
|
|