Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Chơi âm thanh 'đỉnh cao'

3 năm trở lại đây, trong giới chơi audio đã có nhiều nhân vật được liệt vào hàng "cao thủ". Họ nhanh chóng được tín nhiệm bởi họ không chỉ chơi cho riêng mình mà luôn hướng đến cộng đồng người chơi một cách vô tư, không vụ lợi.
Phong trào chơi thiết bị âm thanh đỉnh cao (còn gọi là hi-end) phát triển rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây.
Điểm mặt "quần hùng"
Bộ ampli đèn của ông Triều Phương. (SGTT)
Bộ ampli đèn của ông Triều Phương. (SGTT)
Ông Lê Triều Phương (đường 41, quận 7, TP HCM) được coi là tay chơi không mệt mỏi theo tự nhận của ông. “Tính tôi đua đòi. Thấy người ta có cái gì mà mình không có là không chịu được”. Nói vui như thế, nhưng kỳ thực ông Phương luôn muốn có sự cảm nhận của chính mình, thay vì qua kinh nghiệm của người khác, ông đã tuần tự trải qua đầy đủ các giai đoạn của cuộc chơi như từ việc sắm loa ba đường tiếng, đến việc mua loa rời về phối ghép, tự chế bộ phân tần (chạy đèn điện tử).
* 5 bước quan trọng DIY ampli đèn
*'Chơi' đồ tự ráp
*Tự chế loa
Phòng nghe nhạc tại gia đã có hàng chục loại ampli đèn cả single end lẫn push pull, tất cả đều do ông tự lắp ráp. Lúc đầu, ông làm theo mạch thiết kế sẵn, gần đây ông tiến thêm một bước là tự thiết kế mạch. Phương rất tự hào vì đã có một số bạn bè tín nhiệm, lắp ampli theo mạch ông thiết kế. Hiện ông đang phổ biến cho mọi người cùng làm bộ phân tần chủ động cho loa với các thông số kỹ thuật đều được chỉnh sửa sao cho dễ tìm linh kiện.
Anh Thuật (quận Phú Nhuận, TP HCM) được "anh em" gán cho biệt hiệu “người kiến tạo những bất ngờ”. Gọi như thế bởi anh rất kỹ tính, làm món nào ra món đó, khiến mọi người "bật ngửa". Sản phẩm nổi tiếng nhất của anh là TDA 7294 với chi phí lắp ráp chỉ khoảng 500.000 đồng, nhưng đã khiến một tay thợ khá nổi tiếng ở chợ Nhật Tảo phải thốt lên: “Trình độ làm ampli đèn cỡ mình, coi chừng nó "giết"!”. Sản phẩm này của anh đã được giới chơi audio nhân bản rộng không chỉ ở TP HCM mà cả Bến Tre, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội... "Thừa thắng xông lên", anh Thuật đang tiếp tục phổ biến sản phẩm mới Gain Clone LM 3886 cho cộng đồng.
Hệ thống âm thanh và loa nhiều tầng Altec Landsing của anh Quốc Hảo. (SGTT)
Hệ thống âm thanh và loa nhiều tầng Altec Landsing của anh Quốc Hảo. (SGTT)
Anh Nguyễn Văn Trung ở Tân Bình lại có tính “thích hướng dẫn người khác” để nhân rộng phong trào. Cứ gặp newbie (người mới chơi) là anh “xí phần” giúp đỡ. Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, anh Trung còn làm giúp “free” những linh kiện... “khó nhai” như biến thế nguồn, biến thế xuất âm, cuộn cảm... Thậm chí, anh lấy ngày phép ra tận Đà Nẵng để làm giúp những công đoạn khó cho Vũ, một người chơi mới vào cuộc chưa biết gì.
Tuấn ở quận Thủ Đức, TP HCM, luôn than phiền: “Mấy năm rồi, em chẳng làm được món gì”. Kỳ thực, anh Tuấn vốn là kỹ sư, nên thích làm những thứ người khác không làm được. Nhưng ở đời quả là ít thứ mà “người khác không làm được”, anh lại lúc nào cũng có người nhờ làm những linh kiện khó nhai như OPT cho đèn công suất lớn. Vì vậy khi nhìn lại, anh vẫn chưa có sản phẩm cho riêng mình.
Mới cách đây 3 năm, anh Lê Quốc Hảo (quận Tân Bình, TP HCM) còn trong tình trang “cái gì cũng phải hỏi”. Nay anh đã trở thành một trong những người dẫn dắt kỹ thuật cho loa kèn.
"Xoá mù" kỹ thuật
Đĩa than, một thú chơi cầu kỳ. (SGTT)
Đĩa than, một thú chơi cầu kỳ. (SGTT)
*Thú chơi đồ âm thanh cổ
*Bảo vệ hệ thống âm thanh
*Người nghệ sĩ 'mê' âm thanh
Ông Ngọc Thiện (quận Tân Bình, TP HCM), một trong 10 sáng lập viên trang web vnav.net của giới chơi hi-end tâm sự: “Người đam mê có nhu cầu chia sẻ sự đam mê của họ. Do vậy, chúng tôi luôn mong muốn phổ biến sự đam mê của mình cho nhiều người. Người biết ít thì có nhu cầu học hỏi, kẻ biết nhiều lại có nhu cầu chia sẻ hiểu biết cho người khác. Cứ thế, phong trào lan rộng. Gần đây, cùng với sự ra đời của vnav.net, đã có thêm những thành viên từ Hàn Quốc, Đức, Mỹ... tham gia tư vấn với thông tin kỹ thuật nhiều chiều, có lợi có người chơi”.
Tình trạng người chơi do thiếu thông tin nên mua nhằm hàng không ưng ý không phải là không có. Ông Hồng Thanh Phong, chủ quán cà phê Hi-end trên đường Nguyễn Văn Thủ (TP HCM), cho biết: “Trước đây, người chơi audio rất mệt mỏi do thiếu thông tin. Mua thiết bị về nghe một tuần thì phát hiện nhược điểm. Mang ra sửa thì bị "phán" muốn khắc phục thì thêm tiền lấy món khác. Cứ thế, người chơi bị dẫn dắt...”.
Dàn âm thanh ở quán cà phê Hi-end (TP HCM). (SGTT)
Dàn âm thanh ở quán cà phê Hi-end (TP HCM). (SGTT)
Ông Tùng ở TP HCM mua loa Tannoy Westminter, sản phẩm "đỉnh" trong dòng loa Royal của Tannoy, với giá 20.000 USD/cặp để "đỡ khỏi nâng cấp nhiều lần". Nhưng nay, ông đang rao bán lại cặp loa trên với giá 11.000 USD, coi như mất đứt 9.000 USD chỉ trong 2 năm sử dụng. “Loa đỉnh, nhưng không đúng gu nghe của tôi”, ông Tùng giải thích, “không phải cứ mua thiết bị cao cấp về là có thể nghe vừa ý”.
Hiện ông Tùng đang lọ mọ chuyển sang chơi theo kiểu DIY (Do It Yourself, tức tự lắp ráp thiết bị). Nguyên lý của thú DIY là muốn lắp ráp được một thiết bị tốt, phải nghiên cứu kỹ thuật để biết nguyên nhân tại sao hay, tại sao dở. Khác với việc chơi thiết bị làm sẵn, chơi DIY là phải tìm thiết bị phối ghép cho hợp. Anh Kim Thạch (Hà Nội) giải thích: “Tìm những thiết bị hợp với nhau rất khó, mà mỗi lần đổi thiết bị lại là một lần tốn kém. Trong khi đó, nhờ có kiến thức về thiết bị, người chơi có thể lắp được những sản phẩm phù hợp với gu nghe của riêng mình”.
Tất nhiên, mỗi thứ đều có ưu nhược điểm. Chơi DIY sẽ phải tốn nhiều công sức trong việc nghiên cứu kỹ thuật, chọn linh kiện... và khám phá âm thanh. Trong khi đó, mua hàng sẵn thì phải chấp nhận âm thanh do người khác thiết kế, không thay đổi được, nhưng đỡ tốn thời gian, công sức.