Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

TỰ LẮP RÁP AMPLI ĐÈN (DIY YOUR TUBE AMPLIFIER) (4) CÂN CHỈNH

TỰ LẮP RÁP AMPLI ĐÈN (DIY YOUR TUBE AMPLIFIER) (4) CÂN CHỈNH
Written by tuyenphuc   
Wednesday, 14 December 2011 14:24
Những thao tác cơ bản cân chỉnh tổng quát sau khi lắp ráp tube-amp.
Qua những bài viết trước, tôi đã hướng dẫn các bạn một số thủ thuật để lắp ráp tube-amp. Nhưng khi đã thực hiện xong, bạn sẽ bị đứng trước một vấn đề khá nan giải là: ‘Làm sao để khởi động amp một cách suôn sẻ và hợp lý nhất?” Vấn đề này không chỉ đơn giản là cắm tất cả đèn, câu loa và bật công tắc cho amp chạy. Nếu có sơ sót gì trong quá trình lắp ráp, bạn có thể làm amp hư hỏng không đáng có ngay tại thời điểm này. Sau đây là những hướng dẫn thao tác cơ bản từng bước để kiểm tra và khởi động tube-amp:
1/ Chưa cắm bất kỳ đèn nào, dùng cán tua vít gõ nhẹ vào những mối hàn để kiểm tra độ chắc của mối nối.
2/ Cắm đèn nắn điện vào (nếu nắn bằng diod thì bỏ qua thao tác này). Gài dây đo của đồng hồ volt (dùng đồng hồ loại hiển thị bằng kim tốt hơn loại digital) vào amp, dây đen nối xuống mass, dây đỏ nối (kẹp) vào đầu tụ lọc đầu tiên (điểm nối với ngã ra V+ của diod hay đèn nắn điện), thang đo của đồng hồ đặt ở vị trí 500 => 1000VDC. Nối dây nguồn, bật công tắc nguồn lên rồi tắt ngay (nếu dùng đèn nắn đợi khoảng 10 giây, khi volt kế lên có điện thế cực đại rồi tắt công tắc). Điện thế hiển thị bắt buộc phải giữ nguyên hay xuống rất chậm, nếu tụt nhanh hay mất hẳn là mạch lọc nguồn có vấn đề, chạm mass hay tụ lọc bị rỉ, ngược đầu v.v. Bạn phải tìm ra chỗ sai, sửa cho hết tình trạng này rồi thử lại nhiều lần rồi mới sang được bước kế tiếp.
Tiện đây cũng nói thêm, điện trở 100k => 220k / 1w đấu song song với 2 tụ lọc nguồn khi nối tiếp có công dụng là làm cân bằng điện thế đều giữa 2 tụ, Nếu không có những điện trở này, khi có 1 tụ bị rỉ nhiều hơn, nó sẽ làm giảm điện thế áp trên nó và dĩ nhiên tụ còn lại mắc nối tiếp với nó sẽ gánh phần điện thế còn lại, quá sức chịu đựng của nó, sinh ra nổ tụ. Nó còn có tác động nữa là khi tắt amp, điện thế chứa trong tụ sẽ đi xuống mass và giảm volt dần. Điều này làm một số bạn gọi nó là “điện trở xả tụ”, không đúng với chức năng chính của nó. Có bạn còn đặt ra phải dùng điện trở loại này, hiệu kia mới tốt. Tôi sẽ viết 1 bài về những sự ngộ nhận về linh kiện tube-amp này vào 1 bài khác sắp tới.
Bạn cũng cần lắp ráp thêm 1 công tắc nữa để cắt nguồn DC nếu có thể, gọi là công tắc stanby (chế độ chờ). Khi nắn điện bằng diod, điện thế DC sẽ lên tới cao điểm ngay tức thì rồi qua cuộn shock và những điện trở dẫn tới những tầng cấp điện khác có điện thế nhỏ hơn, đôi khi sẽ được lọc bằng tụ lọc có điện thế chịu đựng nhỏ hơn điện thế nguồn chính (tụ điện thế cao thường khá mắc tiền, lớn choán chỗ nên nhà sản xuất thường làm tụ volt thấp cho các tầng pre thấp volt). Thời điểm đầu này, bóng đèn chưa đủ thời gian nung tim đèn nóng đến mức độ cần thiết (cần khoảng 15 đến 20 giây) để hoạt động, nên chưa có dòng tải để kéo điện thế xuống qua điện trở giảm. Hậu quả là có thể nổ tụ, đôi khi những bóng đèn pre có sức chịu kém cũng có thể nhảy lửa và nổ nguội. Khi có công tắc standby, bạn bật công tắc nguồn, đợi 20 giây sau bật công tắc standby, amp sẽ hoạt động tức thì và ổn định hơn. Công tắc này bạn gắn ở giữa điểm tụ lọc nguồn đầu tiên và tiếp tế điện nguồn cho shock và những tầng sau. Mạch điện dùng đèn nắn điện có thể không cần công tắc này vì điện thế cũng lên từ từ đồng bộ với những đèn khác, nhưng lại có thể hữu ích cho những thao tác cân chỉnh tôi sẽ viết sau đây.
3/ Nếu sơ đồ bạn đang ráp có dùng điện thế bias (phân cực) V- cho đèn thì bạn phải chỉnh điện thế này cho đúng theo sơ đồ. Nếu muốn an toàn hơn, bạn có thể chỉnh cao hơn khoảng 20% so với sơ đồ. Đo những điện thế AC dùng để đốt tim đèn xem có đúng với từng loại đèn không, sai số cho phép là 10%.
4/ Đến bước này, bạn đã có thể cắm tất cả bóng đèn theo như trong sơ đồ amp của bạn đang lắp ráp nếu là amp mono. Nếu bạn ráp amp stereo, bạn chỉ nên cắm số lượng đèn đủ cho 1 bên channel mà thôi. Khi nào 1 channel đã hoàn thành cân chỉnh chạy tốt, ổn định, bạn sẽ cắm tất cả đèn sau.
5/ Thông thường, bây giờ bạn có thể gắn loa tải đúng trở kháng của OPT vào, cho tín hiệu nhạc và cho chạy bình thường như tất cả các amp bất kỳ nào. Nhưng mục đích của bài này là cân chỉnh amp cho đạt được độ chính xác tương đối, nên bạn cần làm thêm những việc sau:
Thay vì gắn loa, bạn mắc ở tải OPT bằng 1 hay nhiều điện trở dây quấn loại lớn watt sao cho tổng trở của nó bằng 8Ω (hơi khó kiếm đúng trị số, nếu không có bạn cho thành 10Ω cũng được, nhưng sau này sẽ khó tính công suất), tổng công suất trở > 50watt (càng lớn càng tốt).
Song song với điện trở này, bạn nối với ngã input của 1 osciloscope (máy hiện sóng) hạ tần (loại nào cũng được, miễn sao màn hình còn tốt). Ở ngã input của ampli, bạn nối với ngã output của 1 audio generator (máy phát sóng hạ tần). Nếu không có thiết bị này, bạn có thể dùng 1 CD player rồi vào forum của website này, box âm thanh download file multi-band CD làm thành đĩa CD để xử dụng, tính năng cũng tương tự như máy phát sóng.
Biến trở âm lượng ngã vào của amp set vị trí minimum, máy phát sóng hay CD set ở tần số 1KHz, biên độ 0dB (tương đương 1 VAC), nếu dùng CD thì không cần chỉnh. Bật công tắc nguồn, đợi khoảng 20 giây cho tim đèn nóng đều, mắt nhìn osciloscope, bật công tắc standby, tay từ từ vặn biến trở âm lượng lên. Nếu trên màn hình xuất hiện 1 hình sine tròn trĩnh như hình mẫu, biên độ thay đổi theo tỉ lệ biến trở bạn đang vặn thì nó đang chứng tỏ amp của bạn đang hoạt động tương đối tốt rồi. Nếu xuất hiện hình quái dị, không phải hình sine thì amp của bạn đã có trục trặc, sai sót ở đâu đó. Bạn dùng que đo của osciloscope để kiểm tra từng tầng khuếch đại, bắt đầu từ ngã ra tín hiệu của đèn đầu tiên (điểm từ anod của đèn qua tụ liên lạc, nếu sơ hư osciloscope, có thể nối tiếp thêm tụ .1µF để đo những điểm có điện thế cao) đến lưới khiển của đèn kế tiếp, cho đến đèn cuối cùng, chỗ nào tín hiệu sine bắt đầu méo là tầng trước đó bị hư hỏng. Bạn theo sơ đồ kiểm tra mạch điện, linh kiện cho thật đúng. Điện thế ghi trên sơ đồ cho phép gia giảm với dung sai 20%. Đôi khi có xuất hiện xung cao tần cực đại trên osciloscope. Bạn dò trên sơ đồ, nếu mạch điện của bạn có đường dẫn từ ngã ra loa về đèn pre, có thể mạch của bạn đang bị hồi tiếp (feedback) nghịch. Bạn chỉ cần tráo đổi hai chấu bìa cuộn sơ cấp của OPT dẫn sang anod đèn công suất, chấu này sang chấu kia là hết.


Sine wave
Bạn nào ráp amp stereo thì sau khi xong, tháo đèn ra cắm sang channel bên kia, thao tác cũng như vậy. Nếu xong toàn bộ, có thể cắm tất cả đèn của 2 bên vào và sang bước kế tiếp. Nhớ cài loa hay trở cho cả hai bên nhé. Phải luôn luôn nhớ rằng, nếu đã cắm đèn công suất thì bắt buộc OPT phải có tải, trở hay loa, nếu không khi có tìn hiệu sẽ nhảy lửa OPT cấp kỳ trong tích tắc.
6/ Bây giờ đến phần đo cường độ tổng của hệ thống. Không như amp bán dẫn, cường độ chỉ tăng theo chế độ hoạt động, tube amp khi đứng nghỉ vẫn ăn dòng, khi có tín hiệu tối đa chỉ tăng không quá 20%. Bạn có thể đo cường độ tiêu thụ của đèn khi đứng nghỉ bằng cách:
Dùng đồng hồ đo mA, thang khoảng 500mA, đầu cộng que đo kẹp vào điểm nguồn chính (tụ lọc nguồn đầu tiên). Điểm này sẽ trùng với 1 trong 2 chấu của công tắc standby cho nên bạn kẹp vào công tắc là tiện nhất. Bật điện nguồn, chờ tim đèn nóng đều, trỏ que đo đầu trừ vào chấu công tắc standby còn lại, trên đồng hồ sẽ hiển thị cường độ tiêu thụ điện năng của tất cả bóng đèn đang hoạt động, tính bằng mA.
Tùy theo sơ đồ bạn đang ráp, dùng loại đèn công suất nào, bạn tra tài liệu tìm đặc tính của đèn. Bạn cộng tất cả cường độ của đèn đang hoạt động sẽ ra thông số sẽ cộng. Đèn pre-amp tiêu thụ dòng rất nhỏ, 2, 3 mA có thể không cần tính đến. So sánh với cường độ bạn vừa đo được, bạn sẽ biết được amp của bạn hoạt động mạnh hay yếu để tùy nghi chỉnh lại. Những thông số này trên sách vở cũng đúng tương đối thôi, còn phải do kinh nghiệm hiểu được loại đèn nào nữa (một tên đèn, khi hoạt động khác biệt nhau khá nhiều: hãng, nước sản xuất, ký hiệu như GA, GB, GC v.v). Thí dụ theo kinh nghiệm của tôi, 1 bóng 6L6GC của Mỹ hoạt động tốt khi cường độ vào khoảng từ 40mA đến 60mA. Thông thường 1 amp có 4 đèn công suất, như vậy dùng biến thế nguồn khoảng 250mA là vùa đủ, lớn hơn thì càng tốt. Dĩ nhiên, khi cho đèn chạy mạnh thì tiếng ra sẽ tốt nhất, nhưng lại nóng đèn, giảm tuổi thọ của đèn đáng kể, và ngược lại. Tùy thích bạn có thể chỉnh lại cường độ tiêu thụ bằng cách sau:
Nếu mạch điện của bạn ráp có phần điện thế âm phân cực (bias volt) cho lưới khiển đèn, thì chỉnh rất dễ. Bạn chỉ cần thay đổi điện thế này, nâng lên thì cường độ sẽ giảm, giảm đi thì cường độ sẽ tăng. Khi chỉnh biến trở bias này, bạn theo dõi đồng hồ mA sẽ hiện kết quả. Cũng có những sơ đồ có nhiều biến trở chỉnh volt bias cho từng đèn công suất một, nhưng bao giờ cũng có 1 biến trở chỉnh điện thế chung cho các biến trở khác. bạn nên chỉnh biến trở chung này thôi, chỉnh riêng từng đèn cần những thiết bị đo lường cao cấp, nên những biến trở riêng này bạn set vào 1 vị trí cố định giống hệt nhau là xong.Chỉnh quá mạnh hay chất lượng bóng đèn bị yếu sẽ có hiện tượng đèn đỏ plate (anode), để lâu nóng sẽ nổ đèn, chưa nói tới biến thế sẽ nóng vì quá tải.
Nếu mạch điện của bạn ráp không có phần điện thế âm phân cực này thì khó hơn 1 chút. Bạn thay đổi trị số điện trở phân cực ở chân cathode nối xuống mass của từng đèn một. Điện trở càng nhỏ thì đèn chạy càng mạnh, càng cao thì càng yếu. Một số sơ đồ không có điện trở này, muốn yếu đi thì bạn phải thêm điện trở vào, nhưng muốn mạnh hơn thì chỉ còn cách là tăng điện thế nguồn cung cấp cho anod.
7/ Cuối cùng là phần đo công suất của amp. Bạn gắn thiết bị đo như bước 5, thêm đồng hồ có thang đo 50VAC mắc song song với osciloscope. Khởi động amp, vặn biến trở âm lượng lên, theo dõi hình sine trên osciloscope. Khi hai đỉnh của hình sine bắt đầu chớm bị méo (bị cắt cụt đầu), bạn vặn nhẹ biến trở về 1 chút sao cho hình sine vẫn còn tròn trĩnh. Đọc điện thế VAC trên đồng hồ và tính ra công suất theo công thức sau:
P = U/ Z. với U là điện thế AC bạn vừa đo được, Z là số ohm của điện trở tải.
Thí dụ bạn đo được 10 VAC, tải bằng trở 8Ω thì công suất cực đại amp của bạn sẽ là P = 102 / 8 = 12,5 watts.
Công suất này mới chỉ là công suất danh định. Muốn tính công suất thực RMS (Root Mean Square) bạn còn phải nhân với hệ số 0.775 nữa. Kết quả thông số công suất thực của thí dụ trên có tên gọi là:
9,7 watts RMS at 8 Ohm / 1kHz.
Một amp công suất mạnh chưa chắc đã ra tiếng hay, nhưng một amp đã đạt được công suất thiết kế của schematic chắc chắn sẽ có chất lượng tương đối khá.
Các bạn còn có thể ứng dụng cách đo này khi thay đổi tần số input từ thấp 40Hz => 18kHz với 1 biên độ âm lượng nhất định. Bạn đo điện thế ngã ra theo từng tần số sẽ vẽ được đường đồ thị đáp tần, việc này hữu ích khi bạn ráp các amp khác, so sánh từng loại schematic với những loại đèn, kiểu ráp khác nhau, bạn sẽ tự mình tìm ra những kinh nghiệm trong thủ thuật lắp ráp tube-amplifier.
Đến đây tạm kết thúc mục đích của bài này, cân chỉnh tổng quát tube-amp. Bạn có thể gắn loa, cho tín hiệu nhạc vào để thưởng thức được rồi, chất lượng nghe sẽ tùy thuộc sơ đồ, loại đèn, linh kiện bạn đã ráp. Còn rất nhiều kỹ thuật như tinh chỉnh, thay đổi kết cấu của sơ đồ, tấn công vào phần âm sắc nữa. Nhưng muốn làm được vậy, phải có thêm những thiết bị đo lường cao cấp và kiến thức điện tử khá, nên tạm thời tôi xin dừng ở đây, hẹn bài viết khác. Còn nhiều điểm thiếu sót, các bạn có thể vào forum để thảo luận tiếp.
Chúc các bạn DIY thành công.