Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Loa Klipsch P 39F-tổng hợp nhiều đặc tính kỹ thuật hiện đại




Phân tích kỹ thuật
Loa có chiều cao khá ấn tượng là 138 cm chưa bao gồm chân đinh, bề sâu đến 63 cm và bề rộng là 40 cm. Trọng lượng là 75 kg cho mỗi chiếc. Thiết kế da ngoài với gỗ nhập có vân ngựa vằn. Nhìn tổng thể bề ngòai của đôi này khi lắp đặt và hệ thống của cả dàn máy, ta như bị cuốn hút trước vẻ to lớn và rất “ ngầu” của nó.
Thật ra những gì mà chúng ta thấy bên ngoài của đôi loa này chỉ là một phần nhỏ so với cấu trúc loa bên trong với rất nhiều chi tiết kỹ thuật đáng để nói ra đây.
Được biết để chế tác ra đôi loa này, hãng Klispsch đã sử dụng những công cụ chế tác bằng điện toán ( CAD-Computer Aid Deisgn). Những công cụ này dùng để thiết kế nội thất loa, các củ loa và toàn bộ hệ thống phân tần cho loa một cách chính xác và khoa học nhất. Theo đó, trong một số trường hợp, các kỹ sư phải tạo ra một phần mềm riêng để có thể đánh giá khả năng trình diễn của loa Mid còi và các mẫu cực của nam châm.
Loa P-39F được thiết kế cấu hình 3.5 đường tiếng, bass reflex với 3 lỗ thông hơi, mục tiêu là tạo ra một chất âm thật sự high end với độ nhạy cao lên trên 95 dB và độ méo tiếng cực thấp. Tòan bộ hệ thống loa có đến 5 củ loa bao gồm 3 loa bass, 1 loa Mid-Treble dạng còi và một loa super treble làm bằng titanium, đặc trách tần số siêu cao. Các loa này được chính các kỹ sư của hãng thiết kế và chế tạo riêng cho P-39F nên có tính chính xác cao. Các kỹ sư cho rằng nhờ vào khả năng chuyển tải các tần số chính xác của củ loa nên bộ phân tần sẽ được thiết kế đơn giản theo nguyên lý đường đi đơn giản nhưng linh kiện thì  tốt nhất. Từ các cuộn cảm bằng lõi không khí đến các tụ bằng polyproylene được chọn lựa nghiêm ngặt để lắp ráp cho bộ phân tần này. Các điện trở công suất có điện cảm cực thấp ( Ultra Low Inductance). Tất cả được bố trí ở những vị trí tối ưu sao cho không gây ra sự giao thoa quan lại giữa các thành phần.
 
Bộ phân tần nằm dưới đáy loa 
Bộ phân tần họat động với tần số cắt cho dải tần số thấp lên đến 500Hz, tần số trung cho loa còi từ 500Hz-3.2kHz và loa treble còi từ 3.2kHz đến 30kHz. Loa cho phép người dùng kết nối tri-wire ( kết nối riêng cho từng dải tần thấp,trung, cao). Tất cả thành phần linh kiện được gắn vào hai bo mạch riêng biệt. Mỗi bo gồm có 2 mặt và được làm bằng đồng 2 oz, có thể chịu dòng cao. Bộ phân tần này được bố trí dưới đáy loa, giúp dây kết nối ngắn hơn và cũng thẩm mỹ hơn.
Cấu trúc thùng loa được cho là sự tổng hợp của một tác phẩm nghệ thuật và những đặc tính kỹ thuật ưu việt nhất. Lần đầu tiên nếu ai nhìn thấy đôi loa này có thể thấy được vẻ đẹp hoành tráng của nó, tuy nhiên khó có thể đoán nổi lại được tư vấn mỹ thuật từ đội ngũ thiết kế hãng xe lừng danh BMW  ( chi nhánh tại Mỹ). Nó chính là sự kết hợp hài hòa giữa chức năng với các đường nét thẩm mỹ để có được một đôi loa vừa đảm bảo về mặt kỹ thụât âm học vừa mãn nhản cho người xem. Loa có chiều cao đến 138 cm. Vỏ ngòai được bọc lọai gỗ có vân như ngựa vằn. Chính vì thế màu của nó có tên là Zebrawood. Về mặt chức năng, thùng loa cấu tạo theo chiều cong với hai mặt bên uốn ra sau. Như thế đôi loa này được xem như chỉ có 3 mặt với mặt sau là giáp mí của hai mặt hông. Kỹ thuật làm thùng loa kiểu này là để triệt sóng đứng vốn gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng âm thanh khi tái tạo. Thông thường tại các điểm giao thoa của sóng đứng, áp suất gây ra lớn tác động vào thành loa, tạo ra sự cộng hưởng không mong muốn. Nhà thiết kế sử dụng những tấm MDF dày đến 1inch, ghép chung với các tấm ván ép không đồng nhất về độ dày, tạo ra hai thành loa dày và chắc chắn cùng với kỹ thuật bẻ cong phía sau sẽ hạn chế rất nhiều sự gây hại của dạng sóng đứng.
Để gia tăng độ cứng chắc cũng thùng loa, người ta cho gia cố thêm bên trong thùng loa 4 tấm ván hình chữ H, chia cắt thùng loa ra làm 5 khoang. 3 loa bass được bố trí 3 khoang riêng. Loa Mid và treble nằm chung 1 khoang trên. Khoang cuối cùng là cho mạch phân tần. Phần hông loa có đến 3 lỗ hơi ( bassreflex). Với cấu trúc loa như vậy, người ta kỳ vọng vào sự tái tạo tần số thấp đạt được lý tưởng là 39Hz.
Nâng đở toàn bộ thân loa là 4 chân đinh có thể điều chỉnh độ cao, giữ cho loa thăng bằng và vững chắc khi hoạt động.
Nhân tố quan trọng góp phần làm nên tên tuổi của đôi loa đó chính là các loa con. Trước tiên hãy xem qua loa bass. Hệ thống loa bass trong P-39F có đến 3 loa, đường kính đo được là 225mm. Màng loa làm bằng hợp chất có tên tiếng Anh làaluminum/ROHACELL®/Kevlar® . Lớp nhôm phủ bên ngoài, sợi Kevlar bên trong và được kết dính bởi ROHACELL, vât liệu ứng dụng trong ngành hàng không, có đặc tính nhẹ và cứng. Màng loa cũng có sự góp mặt của chất dẻo polymethacrylimde (PMI) nhằm gia tăng độ cứng, hạn chế dao động thừa và giữ được trọng lượng nhẹ. Với kết cấu đặc biệt này, loa bass sẽ hoạt động nhanh chịu tải tốt hơn. Nam châm dùng trong loa là lọai cực mạnh, Neodymium N35SH, được làm từ lọai đất hiếm và ứng dụng rất hạn chế trong sản phẩm tiêu dùng do tính quí hiếm của chất này. Nó bao gồm 1 miếng lớn và 2 nhỏ, bố trí phần trên và dưới nhằm đảm bảo độ tuyến tính, hạn chế sự chênh lệch năng lượng từ tính trong loa, cung cấp lượng từ dồi dào cho cuộn dây âm thanh( voice coil). Thêm vào đó, củ loa còn được lắp đặt thêm những vòng nhôm nằm trên lõi từ, nhằm giảm thiểu độ tự cảm không mong muốn cũng như sự thay đổi tự cảm khi cuộn âm thanh chuyển dịch. Ngoài ra chúng còn có tác dụng như các tấm giải nhiệt khi loa họat động.
Với một kết cấu kỹ càng như vậy, hệ thống loa bass của P-39F có hệ số méo tiếng cực thấp, cải thiện độ động của loa đáng kể cũng như tái tạo âm trầm chắc khỏe.
Loa Mid của P-39F là lọai loa còi ( Horn) có đường kính của họng loa là 11.4cm. Loa vẫn dùng các kỹ thuật như loa bass và cũng được chính các kỹ sư Mỹ làm việc tại Klipsch chế tạo riêng cho dòng loa này. Có thể điểm qua một vài kỹ thuật đặc biệt như sau:
Loa Mid này được thiết kế nhằm đạt được tần số từ 500Hz đến 3.2kHz. Điều này có nghĩa loa Mid “ lấn sân” qua lãnh địa của loa Treble một chút. Thế nên thông số kỹ thuật ghi là 3.5 đường tiếng là như vậy. Độ nhạy cho riêng loa này có thể đạt đến 110dB đồng nghĩa với độ méo tiếng trung cực thấp khi mà sự tác động từ Ampli không đáng kể thì âm thanh đã làm cho người nghe thỏa mãn với âm lượng.
Nam châm dùng trong loa Mid cũng là lọai N35SH có từ tính mạnh gấp nhiều lần so với loại thường, cho phép biên dạng nhỏ sau màng loa để giảm bớt những lực từ phản xạ không mong muốn. Loa Mid được bao bọc và che chắn rất kỹ, Khung loa làm bằng hợp chất gang pha nhôm và đựợc bọc kín, gần như cách ly hoàn toàn với môi trường bên trong loa, tránh sự tác động khi loa bass họat động làm ảnh hưởng đến âm Mid. Chủ hãng loa Klipsch đã từng có câu nói nổi tiếng như thế này “ Trung âm chính là đời sống của chúng ta”. Thật vậy, gần như tai chúng ta có “ tình cảm” đặc biệt với dải tần này.
Loa treble trong P-39F được làm bằng titanium và cấu tạo như một loa còi. Họng của nó có đường kính là 1.7cm. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng có đến 2 khối nam châm loại Neodynium N 35SH. Loa được thiết kế để có thể tái tạo được tần số kên đến trên 20Hz với độ động và âm chính xác cao.
Phối ghép và đánh giá 
 
  Trên tờ kỹ thuật của hãng Klipsch, chúng tôi đựơc biết rằng, các kỹ sư âm thanh tiến hành phép thử mù ( under blind conditions). Một bảng câu hỏi đưa ra cho những người có “ tai nghe” tốt. Các kỹ sư sẽ dựa vào các đánh giá của người nghe để điều chỉnh các đặc điểm kỹ thuật để sao cho loa đạt đến độ trung thực nhất. Phương pháp này được xem như “ biết người biết ta” khi mà máy móc và các thông số chưa phải là yếu tố quyết định theo tiêu chí của âm thanh hi end.
Phối ghép với Ampli cũng là một yếu tố quyết định để loa trình diễn tốt nhất. Có thể ghép P-39F với một số Ampli của Mc Intosch như MA 6600 hoặc MA7000.Đôi loa này có công suất Ampli đề nghị từ 50-1000W. Công suất đạt được tối đa là 1600W. Dựa vào các thông số này chúng ta có thể tìm cho nó một Ampli hợp lý. Với những Ampli có công suất lớn, chúng ta sẽ nghe được sự “ hoành tráng” của đôi loa này trình diễn, nhất là với thể lọai giao hưởng được ghi âm tốt từ các hãng danh tiếng thế giới.
Có thể tìm một Ampli bóng đèn chạy mạch Class A Single end  ( parallel) có công suất trên 30W. Với lọai này ta sẽ có được trung âm thật trong trẻo và âm bass thật ngọt ngào. Chúng tôi thử qua chiếc S9 của Unison Research. Ampli này dùng đèn SV 572, có công suất 35 W mỗi kênh theo mạch Class A. Có thể nói như một lời nhận xét của một người trong chúng tôi là “ đường trong bầu mật trong còi”. Ý muốn nói sự du dương của âm Mid-Treble và các âm tần số thấp thật đằm thắm làm say đắm lòng người. Qua track 1 của đĩa Best Audiophile Voices VI, chúng ta sẽ “ thấy” rõ giọng  hàng “ best voice” của Lydia Gray được tái chính xác cỡ nào. Ở bản này chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự trong trẻo, mượt mà khi tiếng Guitar và violon chạy ở các đoạn dạo đầu. Loa trung phát huy tác dụng quá tốt ở bài này khi nền nhạc chủ đạo vẫn là giọng ca và các nhạc cụ kinh điển nhất. Ngay track 2 của chính đĩa này chúng ta kiểm chứng khả năng tái tạo âm trầm với 3 loa được thiết kế bằng đỉnh cao công nghệ. Ca sĩ kiêm diễn viên người Anh trình bày bản jazz “ Spanish Harlem” với cây contra bass đệm xuyên suốt bài hát. Tiếng trầm có hài dài của đàn bass được thể hiện có chừng mực, không gây lùng bùng ở đọan cuối như thường thấy ơ các loa không kiểm sóat ở dải này.
Hoành tráng và lôi cuốn có lẽ là nhạc giao hưởng. track 16 trong đĩa Arabesque, một đĩa tổng hợp lại từ các phòng thu nổi tiếng khác nhau, do hãng dây Crystal mua bản quyền. Ở track 16 này là bản The Padstow Lifeboad do nhà sọan nhạc Malcolm Arnold (1921-2006) viết. Trong bài này dàn kèn chủ đạo kèm theo trống nện khiến người nghe như ngồi trước một sảnh đường hòa nhạc. Hệ thống loa bass với 3 loa tái hiện sinh động không khí trang trọng của một buổi diểu hành, mừng một sự kiện đặc biệt nào đó. Dàn kèn Trumbet qua loa Mid còi cho một âm hình chuẩn xác, nổi bật lên trên cả dàn dây và trống.
Tóm lại, ngài Paul W Klipsch thật không phí công sức để chế tác ra đôi loa này. Đối với sự kỳ vọng của người nghe nó gần như đáp ứng trọn vẹn về khả năng tái tạo chất âm trung thực nhất, tinh tế nhất. Về mặt danh tiếng, đôi loa này đã đưa tên tuổi của Klipsch vượt ra ngoài nước Mỹ và nay tại Việt Nam, chúng ta biết thêm một chuẩn mực nữa về khái niệm âm thanh hi end là gì.
  Cửu Âm ( theo Nghe Nhìn Việt Nam tháng 12-2010)
Giá : 21,000 USD